Trẻ vẽ và đọc

02:07, 16/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây vài ba chục năm, trẻ nhỏ khi mới biết chữ đều rất thích đọc truyện tranh. Hồi đó, phổ biến là bộ truyện tranh “Doremon” và “Thủy thủ mặt trăng”, cùng vài ba bộ truyện tranh khác. Có lẽ khi đó chưa phổ biến phim hoạt hình trên ti-vi. Bây giờ thì có quá nhiều kênh ti-vi phát liên tục phim hoạt hình. Đó cũng là một lý do quan trọng khiến trẻ nhỏ bây giờ chỉ xem phim mà ít đọc sách, dù là đọc truyện tranh.

Tôi còn nhớ, cho tới khi vào đại học, thằng con lớn của tôi vẫn giữ nguyên một tủ sách truyện tranh để “truyền cảm hứng” cho thằng em. Chúng nó lớn đến thế rồi vẫn còn mê truyện tranh thì hơi... kỳ, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu, có những điều kỳ lạ từ những bộ sách tranh đơn giản mà trẻ con cảm nhận được, rồi chúng bị thu hút, có khi đã lớn rồi vẫn còn mê.

Với trẻ em vừa độ tuổi mẫu giáo, chưa biết chữ, thì những bộ truyện tranh có thể thành “sách gối đầu giường” của chúng, nếu ở trường và ở nhà, các cô giáo và cha mẹ các em biết khơi gợi những hứng thú đầu đời này với sách.

Ở TP.HCM, có một cô giáo mầm non đã kiên trì đưa sách truyện tranh đến với các cháu mẫu giáo bằng hình thức cho các cháu vẽ tranh theo chủ đề, cô sẽ chú thích ngắn gọn bên dưới bức tranh và đọc cho các cháu nghe. Như thế, các cháu vừa tập vẽ tranh, tiếp xúc với hội họa ở mức đơn sơ nhất, vừa hiểu dần ý nghĩa từ những bức tranh mình vẽ xem nó mang lại cho chính mình những gì. Đó là cách giáo dục phát huy sự sáng tạo, tự mình vẽ, tự mình hiểu những hình mình vẽ, và cô giáo sẽ giúp cho mình “thấm” bằng những câu chú thích ngắn gọn. Như thế, các cháu vừa học vẽ tranh, vừa học chữ một cách tự do, không ép buộc, nhưng những gì học được sẽ ghim rất sâu vào bộ nhớ trẻ thơ.

Tôi nghĩ, với các trường mầm non, sáng kiến này của cô giáo Xuân ở TP.HCM rất nên được nhân rộng. Từ xem tranh một cách thụ động đến vẽ tranh một cách chủ động là một bước tiến lớn trong tư duy trẻ thơ. Từ hưởng thụ đến tự mình tạo ra sản phẩm, rồi hiểu được ý nghĩa sản phẩm, là một bước tiến lớn trong chủ động nhận thức thế giới.

Đầu óc trẻ thơ như tờ giấy trắng, hãy để các em tự vẽ những hình ảnh mình yêu thích lên đó, và để đầu óc các em tự ghi hay tự xóa nó. Đó là một cách tiếp cận thế giới theo hướng sáng tạo và tự chủ. Làm sao khi lớn lên, các em sẽ là những người tự do sáng tạo, và hiểu ý nghĩa những sáng tạo của chính bản thân mình.

Lối học bằng hình ảnh, để các cháu tuổi mẫu giáo tự vẽ tranh và cho các cháu đọc hiểu những câu chú thích ngắn gọn là một cách học tiên tiến, vì tư duy hình ảnh bao giờ cũng đi trước tư duy chữ viết, và nó sinh động hơn chữ viết.

Nó cũng sẽ giúp phát hiện những đứa trẻ có “tư duy hình ảnh lạ”, điều đó rất quan trọng để nhìn thấy trong tương lại những họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc, những kỹ sư công nghệ thông tin, và cả... nhà thơ. Đó là những người sáng tạo trong tự do, mà những bức tranh họ vẽ từ hồi còn ở trường mầm non là những bước đi đầu tiên.

THANH THẢO
 


.