Tấm lòng của chàng trai Hrê với học sinh vùng cao

10:07, 31/07/2018
.
 

(Baoquangngai.vn)- Hơn 5 năm gắn bó với Hội Cựu chiến binh xã Thanh An (Minh Long), là chừng ấy thời gian anh Đinh Văn Suốt (32 tuổi) người dân tộc Hrê âm thầm cống hiện sức trẻ của mình làm cầu nối cho trẻ em người đồng bào ra trường bám lớp theo học con chữ. 

Thoát nghèo trên đất quê 
 
Anh Suốt xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thanh An (Minh Long). Năm 2007, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ. Năm 2009, rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, anh Suốt nhiệt tình tham gia công tác Đoàn tại địa phương. 
 
Năm 2012, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh  An. Đó cũng là thời điểm hoàn cảnh gia đình rơi vào thế khó khăn nhất, khi vợ anh vừa sinh con đầu lòng, anh vừa đi học tại chức chính trị, vừa làm cán bộ bán chuyên trách của Hội Cựu chiến binh xã, với mức lương chỉ 1 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống
 
Thấy cảnh gia đình túng quẩn, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương thì không biết đến bao giờ mới thoát nghèo. Nghĩ vậy nên anh tìm mọi cách để cải thiện kinh tế. Anh Suốt tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong các đợt tập huấn của xã. 
 
Năm 2016, nhận thấy mô hình nấu rượu lấy hèm nuôi heo giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, nên anh đã mạnh dạn vay vốn thông qua tổ chức Hội Cựu chiến binh xã, đầu tư phát triển đàn heo. 
 
Anh Đinh Văn Suốt chăm sóc heo
 
 
Từ gần 2ha đất trồng lúa được cha mẹ cho khi ra riêng, anh giữ lại 500m2 trồng lúa, 1ha trồng keo để tăng thu nhập. Đến mùa thu hoạch lúa anh bắt tay vào nấu rượu. Rượu lấy để bán còn hèm anh dùng cho heo ăn. Theo anh Suốt thì việc nuôi heo bằng hèm rượu sẽ giảm chi phí mua cám, bột từ 30 – 40% mỗi lứa. 
 
Biết tính toán lấy ngắn nuôi dài cộng với sự chịu khó vươn lên, vợ chồng anh Suốt ngày càng tăng thêm số lượng đàn. "Từ 5 con giống ban đầu lên đến 20 con như hiện nay. Và sau 5-6 tháng tôi cho xuất chuồng, trọng lượng đạt 60-70kg/con.Chỉ riêng chăn nuôi heo, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình  lãi hơn 20 triệu đồng. Còn hơn 1ha keo, chỉ sau 4 năm thì cho thu hoạch, gia đình anh cũng thu về khoảng 60 triệu đồng", anh Suốt cho biết.
 
Hiên nay, ở vùng cao này thì mô hình nuôi heo kết hợp nấu rượu hay trồng keo như anh Suốt là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu. Ông Đinh Ê Hoàng - Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: "Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Suốt còn là người "thổi lửa" cho các phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Điều đáng quý trong thời gian qua, anh Suốt đã thuyết phục được hơn 15 trường hợp học sinh nghỉ học tiếp tục bám lớp. Với những đóng góp cho địa phương, anh Suốt vừa được nhận bằng khen “Tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2017”. 
 
Cho em thơ được đến trường
 
Anh nhớ lại, thời điểm cách đây 5 năm, cuộc sống gia đình khó khăn muôn bề. Vậy mà hễ nghe có trường hợp trẻ em nào bỏ học, trốn học anh nhín lại một ít tiền để mua sữa hay tập vở để đến động viên các em tiếp tục đến trường. Dù giá trị không lớn nhưng có lẽ đó là những món quà quý giá, ý nghĩ nhất của người cán bộ trẻ này dành cho các em. Không quản ngại khó khăn, trắc trở, xong việc cơ quan anh Suốt  lại tìm đến tận nhà “gõ cửa” động viên, thuyết phục từng em bỏ học tiếp tục đến trường. 
 
“Nhà lúc đó tuy nghèo khó nhưng thấy công việc anh ấy làm có thể giúp đỡ được nhiều trẻ em tiếp tục đến lớp, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm! Đồng cảm với anh ấy nên tôi cũng tranh thủ quán xuyến việc nhà, chăm sóc đàn heo, nấu rượu và trông nom con cái, giúp anh yên tâm hoàn thành tốt công việc", chị Thư, vợ anh Suốt chia sẻ.
 
Việc đưa các em trở lại lớp nếu như bằng lý lẽ và sự nhiệt tình thì theo anh Suốt vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Anh Suốt nhớ lại, 2 năm về trước, sau nhiều lần vượt chặng đường gần 10km đến nhà thuyết phục em Đinh Thị Chút ở cuối thôn Phiên Chá không thành công, anh phải lần lượt tìm đến sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, các đoàn thể trong nhà trường và nhất là anh Đinh Thau, trưởng thôn Phiên Chá. Giờ đây, anh thật hạnh phúc khi biết Chút sang năm lên lớp 12, rồi sẽ  tốt nghiệp THPT và nuôi ước mơ làm giáo viên trở thành hiện thực.
 
 
Hơn 5 năm gắn bó với Hội Cựu chiến binh xã Thanh An, anh Đinh Văn Suốt  luôn tâm niệm làm những việc tốt nhất cho trẻ em vùng cao. 
Hơn 5 năm gắn bó với Hội Cựu chiến binh xã Thanh An, anh Đinh Văn Suốt  luôn tâm niệm làm những việc tốt nhất cho trẻ em vùng cao. 

 

Có những trường hợp, anh Suốt không chỉ hoàn thành bằng tinh thần trách nhiệm cao mà  bằng cả trái tim yêu thương. Hình ảnh về cô bé Đinh Thị Đen (12 tuổi) ở thôn Phiên Chá, xã Thanh An nhút nhát, ít nói, nhiều lần bỏ lớp đã làm lay động trái tim của người cán bộ trẻ này. 
 
“Gia cảnh của Đen rất khó khăn. Bố mẹ đi làm nương 10- 15 ngày về một lần. Ở nhà, 3 chị em nương tựa nhau sống qua ngày. Đen lại bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, không đến trường đúng tuổi như bao đứa trẻ và ốm đau triền miên. Học lực yếu, đến trường thường bị bạn bè trêu chọc. Vậy nên Đen dần sợ sệt và không dám đến lớp nữa”, anh Suốt tâm sự. 
 
Sau 3 ngày, anh Suốt lại tìm đến nhà Đen một lần. Mỗi lần đi, anh đều cất vào trong balo vài cái kẹo hay tập vở làm quà cho các em. “Nếu trước mặt trẻ là một người xa lạ thì khó thuyết phục được các em. Tuy cái kẹo hay tập vở không phải là món quà gì lớn lao nhưng cùng với đó mình dành thời gian thủ thỉ, trò chuyện cùng trẻ để tạo được sự gần gũi. Lúc đó, trẻ mới tin tưởng mình, chia sẻ những khó khăn bé gặp phải trong việc học, từ đó mình mới tìm ra nguyên nhân thuyết phục các em trở lại trường”, anh Suốt chia sẻ. 
 
Và rồi, một tháng trôi qua, anh không nhớ đã đến nhà Đen bao nhiều lần, nhưng anh rất vui, hạnh phúc khi hay tin Đen đã đến lớp trở lại. Không còn rụt rè, mà Đen đã dần cởi mở và vui chơi cùng bạn bè trong lớp.
 
Đến nay, người cán bộ trẻ này vẫn đi sớm về khuya, in dấu chân khắp mọi ngỏ ngách đường làng, hễ nghe tin báo có trẻ bỏ học thì anh lại tìm đến tận nhà để thuyết phục trẻ trở lại trường. Hành động đáng quý của anh đã chứng minh rằng, tình yêu thương, chia sẻ không phải chỉ người có điều kiện mới có thể làm được, mà ngay cả người nghèo vẫn có thể san sẻ với người nghèo. 
 
Anh Đinh Văn Suốt không chỉ là một cán bộ làm việc rất có trách nhiệm, một người nông dân làm kinh tế giỏi mà còn là một người có tấm lòng thiện nguyện. Đến nay, 15 trẻ do anh thuyết phục đều đang theo học tại các trường Tiểu học, THCS Minh Long”, ông Phạm Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Minh Long chia sẻ. 
 
Bài, ảnh: P.Tiên - Đ.Tươi
 
---------------------------------
 
Bài tham gia Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"
 
 
 
 

.