Sáng tạo vì môi trường

10:07, 06/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trăn trở về sản xuất nông nghiệp và môi trường đang ngày càng ô nhiễm, nhiều thanh thiếu niên trong tỉnh đã có những sáng chế thiết thực, hiệu quả. Đây là những đề tài được đánh giá cao và đoạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2018.

Thuốc trừ sâu bằng lá cây

Có lần đi học về ngang qua cánh đồng sắp thu hoạch, em thấy người dân phun thuốc trừ sâu, mùi hôi nồng nặc. Em suy nghĩ, nên có thuốc trừ sâu không độc hại, thân thiện với môi trường làm từ các nguyên liệu gần gũi, giá thành rẻ”, Võ Thị Xuân Mai, lớp 9A, Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) chia sẻ về ý tưởng sáng chế thuốc trừ sâu làm từ lá cây. Để tìm hiểu, Mai cùng với bạn Trần Quang Việt tham khảo sách về các loại cây thuốc nam tại thư viện trường.

Sau khi tra cứu các tài liệu cùng sự hướng dẫn của giáo viên, nhóm của Mai đã nghiên cứu các nguyên liệu từ các loại cây, như cây nghể, lá sầu đông và trái ớt hiểm chín. Mai cho biết: “Cây nghể mọc nhiều dọc ao hồ, ruộng nước; còn lá sầu đông có rất nhiều. Đó đều là những nguyên liệu dễ tìm, gần gũi lại không tốn kém. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đó là tạo chất bám dính.

Sau khi thử dầu phụng, nước rửa chén hay dầu ăn đều không phù hợp, em thấy người ta quét vôi trên tường nên nghĩ ra ý định lấy vôi ăn trầu làm thí nghiệm và đã thành công. Đồng thời, vôi có vị nồng giúp tăng thêm hiệu quả cho thuốc”.

Mô hình ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường sử dụng pin năng lượng mặt trời của Trịnh Lê Khoa và Trần Đăng Huy, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).
Mô hình ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường sử dụng pin năng lượng mặt trời của Trịnh Lê Khoa và Trần Đăng Huy, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).


Thuốc trừ sâu của Mai và Việt được chế biến theo cách rửa sạch lá nghể và lá sầu đông tươi, giã nát ngâm cồn 60 độ đậy nắp kín 24 giờ. Sau đó, ép lấy nước, hòa với vôi ăn trầu, lọc hỗn hợp cho chung vào lọ đậy kín. Còn ớt tươi giã nát lọc lấy nước cho vào bình phun ngay, vì ớt hòa chung với hỗn hợp để lâu ngày làm giảm tác dụng.

Sau khi thử nghiệm nhiều lần trên các luống rau, gia giảm các loại nguyên liệu cho phù hợp, thuốc trừ sâu làm từ lá cây khiến sâu chết đến 90 – 95%, giá thành lại rẻ hơn so với các loại thuốc trừ sâu đang bán trên thị trường. “Thuốc trừ sâu chế biến bằng lá cây, không gây độc hại với sức khỏe con người, lại thân thiện với môi trường, góp phần tăng năng suất cây trồng cho nông dân. Chúng em rất vui khi ý tưởng đã thành công”, Mai chia sẻ.

Tận dụng nguyên liệu, năng lượng

Còn Trần Minh Thảo, lớp 11A1, Trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức) lại trăn trở về vấn đề hạn hán trong nông nghiệp. Từ đó, Thảo suy nghĩ, tìm cách giữ nước cho cây trồng. Thảo cho biết: “Superabsobent Polymers (SAP) còn có tên gọi Polymer siêu thấm, là vật liệu có khả năng hấp thụ và giữ lại lượng nước hay dung dịch lên đến 500 lần.

Tuy nhiên, những loại SAP trên thị trường có nhiều hạn chế, rất khó phân hủy, tốn kém, chứa nhiều acid acrylic và NaOH cũng như nhiều chất hóa học khác gây ảnh hưởng đến môi trường. Sau quá trình nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu khác nhau, em phát hiện ra polymer tự nhiên tồn tại trong nhiều loại cam”.

Trải qua các công đoạn chế biến kỳ công tạo chất lỏng dung dịch từ quá trình đun sôi ba quả cam. Còn vỏ cam phơi khô và vỏ bơ được làm nóng với dung dịch sôi, sau đó nghiền ra thành bột. Trộn bột với vỏ cam, vỏ bơ phơi khô theo tỷ lệ thu được hỗn hợp vỏ cam.

Thảo kỳ vọng: “Đây là hỗn hợp làm từ nguyên liệu bỏ đi tạo nên loại SAP mới, hoàn toàn không độc hại, có khả năng giữ nước, cải thiện chất lượng đất trồng, tạo môi trường tốt hơn cho cây trồng. Em mong muốn được áp dụng vào thực tế, góp phần tạo ra giải pháp hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”.

Còn với nhóm học sinh Trịnh Lê Khoa, Trần Đăng Huy, lớp 9G, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đã mày mò sáng chế mô hình ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường, sử dụng pin năng lượng mặt trời dùng cho gia đình. Nói về đề tài của mình, Khoa bộc bạch: “Ban đầu, em ấp ủ ý định thay vì làm khóa cửa thì sử dụng thẻ từ ra vào nhà. Sau này, em nghiên cứu thêm sử dụng pin năng lượng mặt trời tạo thành dòng điện.

Với ngôi nhà mô hình, em đã lắp đặt công tắc hệ thống sử dụng trực tiếp. Trong trường hợp không sử dụng hết thì pin năng lượng mặt trời tích vào bình dự phòng. Vào mùa đông, không có nhiều ánh sáng mặt trời thì sử dụng điện 220V của lưới điện quốc gia”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.