Tây Trà: Ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển

08:06, 03/06/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Với các sinh viên người dân tộc thiểu số ở huyện Tây Trà, được bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng đã khó, lấy được tấm bằng tốt nghiệp còn khó hơn gấp bội lần. Trở về quê nhà, được địa phương quan tâm bố trí việc làm là niềm vui khôn tả.

TIN LIÊN QUAN

Hồ Ngọc Bảo, người đồng bào dân tộc Cor được huyện Tây Trà xét cử đi học cử tuyển hệ cao đẳng, ngành sư phạm tiểu học của Trường ĐH Phạm Văn Đồng vào năm 2014. Được nhà nước hỗ trợ mọi kinh phí cho đi học, những năm tháng theo học tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Bảo đã rất nỗ lực với hy vọng nuôi ước mơ được đứng trên bục giảng, truyền thụ lại kiến thức của mình đã học cho đàn em thân yêu, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. 
 
Mùa hè năm 2017, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, Bảo vui mừng khôn tả khi được Phòng Nội vụ huyện Tây Trà tuyển dụng vào làm giáo viên hợp đồng tại Trường TH Trà Nham từ đó đến nay.
 
“Em biết năng lực của mình còn hạn chế so với các giáo viên người Kinh nên đã cố gắng tự trau dồi kiến thức và học hỏi từ những anh chị đi trước để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Em sẽ tiếp tục nỗ lực thi đỗ trong đợt xét tuyển sắp tới, hoàn thành ước mơ trở thành giáo viên” - Bảo vui mừng chia sẻ.
 
Cũng như Bảo, Hồ Thị Út, một trong số 16 sinh viên được cử đi học cử tuyển ngành sư phạm tiểu học tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng vào năm 2014. Niềm vui, cảm xúc lâng lâng khi cầm tấm bằng trên tay được nhân đôi khi Út được phân về đứng lớp tại Trường TH Trà Phong.
 
 
Các sinh viên cử tuyển ngành sư phạm ở huyện Tây Trà đều được bố trí việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.
Các sinh viên cử tuyển ngành sư phạm ở huyện Tây Trà đều được bố trí việc làm đúng chuyên ngành.
 
Công việc này hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành đào tạo, tuy lúc đầu có gặp khó khăn. Nhưng nhờ tính cần cù và chăm chỉ học hỏi từ đồng nghiệp, Út đã tự tin hơn để hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đầu tiên mình đứng trên bục giảng. Út bày tỏ: “Được huyện bố trí việc làm, em sẽ không ngừng cố gắng. Bởi đó là mong ước lớn nhất của em kể từ khi rời làng đi học”.
 
Trong khi một số huyện miền núi “nói không” với chính sách cử tuyển. Hầu hết sinh viên cử tuyển thất nghiệp thì tại huyện Tây Trà, 100% sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển đều được huyện bố trí hợp đồng công tác.
 
Tín hiệu vui cũng đang đến với các sinh viên cử tuyển khi UBND huyện Tây Trà vừa thông báo xét tuyển giáo viên theo chế độ cử tuyển vào biên chế chính thức với những giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt.
 
Là huyện nghèo lại có tỉ lệ dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất tỉnh, những năm qua, Tây Trà luôn coi việc triển khai Nghị định số 34 của Chính phủ như một giải pháp tháo gỡ khó khăn về đội ngũ cán bộ là người địa phương được đứng vào hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện.
 
 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng cao là việc làm cần thiết.

 
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tây Trà Lê Minh Vương cho biết, trong năm 2014, căn cứ vào số lượng biên chế và thực trạng biến động nhân lực của ngành giáo dục, huyện đã làm tốt công tác xét tuyển để cử sinh viên đi học cử tuyển, nắm bắt tình hình học tập của các em và bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. 
 
Trong 16 học sinh đi học theo hình thức cử tuyển ngành sư phạm, có 14 em tốt nghiệp đều được huyện bố trí công tác hợp đồng tại các đơn vị trường học. Sau 1 năm tập sự, các giáo viên hợp đồng không phải tham gia vào kỳ thi tuyển giáo viên của tỉnh mà huyện sẽ tổ chức đợt phỏng vấn, kiểm tra, sát hạch xét tuyển giáo viên theo chế độ cử tuyển vào biên chế chính thức riêng.
 
Cũng theo ông Lê Minh Vương, không phải cạnh tranh khốc liệt như kỳ thi tuyển giáo viên, đợt sát hạch này, giáo viên cử  tuyển chỉ cần “vượt qua chính mình” với những kiến thức chung của Luật Viên chức và phần chuyên môn về chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
 
Ưu tiên trong xét tuyển, tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào bộ máy nhà nước, nhằm khuyến khích, động viên, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục vùng cao là việc làm cần thiết cần được các địa phương quan tâm. 
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.