Trường mầm non tại các khu công nghiệp: Cần có cơ chế hỗ trợ

10:05, 14/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp (KCN) là nhu cầu bức thiết hiện nay. Bởi lẽ, số lượng công nhân làm việc ở các KCN trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhiều người có nhu cầu gửi con gần nơi làm, vì thời gian làm việc theo ca, lệch giờ nên không thể gửi con ở các trường công lập.

TIN LIÊN QUAN


Tỉnh ta hiện có 5 KCN và KKT, với  hơn 33.600 lao động đang làm việc, nhưng chỉ có 18 trường mầm non gần các KCN (11 trường công lập, 7 trường tư thục) và trên 40 nhóm, lớp độc lập tư thục do tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, do số lượng lao động thường xuyên biến động, công nhân làm việc theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, dẫn đến công tác dự báo số trẻ đến trường, lớp khó chính xác để quy hoạch các cơ sở giáo dục mầm non. Trong khi đó, công nhân làm việc theo ca, lệch giờ nên khó có thể gửi con tại các trường công lập, phần lớn phải gửi tại nhóm trẻ tư thục.

Một nhóm trẻ tư thục độc lập tại KKT Dung Quất.
Một nhóm trẻ tư thục độc lập tại KKT Dung Quất.


Theo Điều lệ trường mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành: “Trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”. Tuy nhiên, trên thực tế thì các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên; các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên; còn các nhóm trẻ độc lập tư thục thì phần lớn không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là độ tuổi nhà trẻ của công nhân tại các KCN, KKT là rất lớn. Vì thế, gần các KCN, KKT đã hình thành nhiều nhóm trẻ tư thục tự phát, trong khi cơ sở vật chất, giáo viên tại những nơi này lại không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
 

Để đảm bảo trường, lớp học đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động tại các KCN, KKT,  Bộ GD&ĐT cần đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng trường mầm non. Trường mầm non tư thục cần được cho thuê đất, nhưng không thu tiền sử dụng đất, được miễn các loại thuế từ khi xây dựng đến khi đi vào hoạt động, ưu tiên cấp điện, nước theo hình thức hỗ trợ giá; hỗ trợ chi phí đồ dùng, đồ chơi; miễn phí khám bệnh cho trẻ và giáo viên; được hỗ trợ thiết bị, theo dõi an toàn thực phẩm miễn phí...
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT NGUYỄN KIÊN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên, toàn huyện có 15 trường, lớp mầm non được xây dựng phục vụ con công nhân làm việc tại KKT Dung Quất, trong đó có 7 trường công lập, 8 trường tư thục. Đối với trường tư thục, thời gian trông giữ trẻ và học phí thu theo thỏa thuận.

Riêng Trường mầm non Ước mơ Doosan, doanh nghiệp hỗ trợ 100% học phí và 50% tiền ăn, phục vụ cho con em người lao động trong doanh nghiệp. Ông Yên cho biết thêm, cơ sở vật chất một số trường mầm non trên địa bàn huyện đã xuống cấp, phòng học chật hẹp, không đảm bảo yêu cầu, nhất là các trường ở KKT. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đủ theo quy định. Nhân viên cấp dưỡng được hợp đồng ngắn hạn, thực hiện chế độ chi trả lương theo xã hội hoá từ nguồn huy động của phụ huynh.

Chế độ đối với giáo viên ngoài công lập còn nhiều bất cập. Hầu hết giáo viên chỉ được hưởng lương theo mức lương cơ sở, ngoài ra không có phụ cấp. Ông Đoàn Hà Yên kiến nghị, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, nhất là trường mầm non ở các KCN, KKT; có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các trường ngoài công lập.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.