Đỡ đầu học sinh nghèo- nghĩa cử cao đẹp của nhà giáo

09:05, 10/05/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Từ đầu năm học 2016- 2017, khi ngành giáo dục huyện Sơn Hà triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên tham gia nhận đỡ đầu một học sinh yếu, có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Phong trào không những hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, mà còn tô đẹp thêm hình ảnh về nghĩa cử thầy trò.

TIN LIÊN QUAN

Tình yêu thương không toan tính
 
Giờ ra chơi, em Đinh Văn Tương, học sinh lớp 9B, Trường THCS Sơn Bao liền gọi các bạn trong lớp chạy một mạch đến phòng máy vi tính của trường để gặp thầy giáo Nguyễn Minh Thiện, giáo viên dạy bộ môn Tin học, nhờ thầy hướng dẫn thêm về kiến thức máy tính, các phần mềm cơ bản. Thầy Thiện chính là giáo viên nhận đỡ đầu em Tương hiện nay. 
 
Hơn 4 năm công tác tại trường, được nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện, thầy Thiện đã lặng lẽ giúp đỡ nhiều học sinh vùng cao dần xóa bỏ đi những rào cản với bộ môn tin học, tự tin hơn với công nghệ thông tin. Với cậu bé Tương, thầy Thiện luôn có một tình yêu đặc biệt như một người cha, người anh đáng kính. 
 
Tương kể rằng, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Nhờ sự động viên thường xuyên từ thầy Thiện mà em mới tự tin đến trường như hôm nay. Còn nhớ, cách đây vài năm khi đường sá đi vào thôn Mang Nà trắc trở. Cây cầu nước Tang chưa được xây dựng, Tương và các bạn trong thôn phải đi đò mới đến điểm trường và trở về nhà với quãng đường khá xa.
 
Đường đi học gian nan như muốn cản trở đôi chân nhỏ nhắn của Tương. Tương nản chí chẳng muốn đến trường. Em trốn thầy cô, bạn bè và bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình công việc nương rẫy. Thế nhưng, sự có mặt kịp thời của thầy Thiện đã đả thông được suy nghĩ của gia đình và bản thân Tương và em đã trở lại trường học.
 
Thầy giáo Nguyễn Minh Thiện đỡ đầu cho em Đinh Văn Tương.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thiện và em Đinh Văn Tương, học sinh lớp 9B, trường THCS xã Sơn Bao.
 
 
“Nhờ có thầy Thiện hỗ trợ, giúp đỡ, em không bỏ một buổi học nào. Bây giờ có cầu, đường về thôn Mang Nà thuận lợi, việc đi học cũng dễ dàng hơn. Em vui lắm! Thương thầy vất vả nên em quyết tâm học tập chăm chỉ để luôn dẫn đầu ở lớp”, cậu bé Tương rụt rè ngày nào nhanh nhảu nói, như đáp lại phần nào công sức và quyết tâm của thầy Thiện. 
 
Không chỉ dạy đúng chuyên ngành tin học, thầy Thiện còn bổ sung, phù đạo thêm kiến thức văn hóa cho Tương bất kể lúc nào thầy có thời gian rảnh rỗi, thậm chí là thứ 7, chủ nhật. Có hôm thầy còn lặn lội gần 10km đến tận nhà để chỉ em học, chỉ vì thương em vất vả, đường xa nguy hiểm.
 
Vào những dịp đầu năm học mới, Tương luôn có quần áo mới, sách vở tươm tất như bao bạn bè khác. Ngày lễ Tết, Tương còn được thầy Thiện biếu tặng bánh kẹo và nhu yếu phẩm mang về làm quà cho gia đình.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Sơn Bao Đinh Thị Hạnh cho biết, toàn trường hiện nay có 22 cán bộ, giáo viên hỗ trợ cho 22 hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhất ở trường. 
 
"Nhà trường lấy đây là hoạt động thi đua chính giữa các giáo viên, tùy theo tấm lòng của mình. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng học tập cho các em. Đến cuối năm tổng kết, giáo viên nào gặp khó khăn về thời gian, kinh tế chưa hỗ trợ tốt cho các em, nhà trường đều tìm cách để hỗ trợ, đỡ đầu tốt hơn cho các em", cô Hạnh nói.
 
Rời xã Sơn Bao, chúng tôi đến với xã Sơn Thượng và chứng kiến tiếp những câu chuyện hết sức ý nghĩa về tình cảm của thầy trò ở huyện vùng cao Sơn Hà. Điển hình như câu chuyện của em Đinh Văn Trỗi, lớp 8A, học sinh T rường THCS Sơn Thượng và thầy Đặng Trung Thắng, giáo viên nhà trường.
 
Căn nhà cấp 4 của gia đình em Trỗi ở thôn Gò Ren, xã Sơn Thượng xuống cấp trầm trọng, gia đình em phải ở tạm dưới căn bếp. Trỗi đành nghỉ học để vượt hàng chục km tới huyện Sơn Tây chèo đò kiếm sống. Biết tin, thầy Đặng Trung Thắng, giáo viên chủ nhiệm của em lặn lội đường xa tìm gặp Trỗi để nhận đỡ đầu và động viên em tiếp tục đến lớp. 
 
Để em yên tâm đến lớp, không phải bận tâm chuyện gia đình, thầy của Trỗi cùng nhà trường đã tham mưu chính chính quyền xã xây lại nhà ở cho gia đình em. Cùng với đó, vận động nhà hảo tâm đóng góp nguồn quỹ mua tặng em xe đạp để đến trường.
 
“Tôi thường xuyên đến nhà thăm em, mua quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm cần thiết như mắm muối, gạo, mì tôm để em có thêm điều kiện đến trường như bạn bè cùng trang lứa”, thầy Thắng chia sẻ.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thượng Lê Thị Hồng Loan cho hay, theo chủ trương của ngành, trường đã phổ biến cuộc vận động này cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Nhà trường phân công từng giáo viên chủ nhiệm các khối lớp chọn ra những em có hoàn cảnh đặc biệt nhất để nhận đỡ đầu. Đến nay, 20 em nhận được sự quan tâm, yêu thương của các thầy cô. Trong đó, có 4 em đã tốt nghiệp.
 
Tô đẹp tình cảm thầy trò
 
Như bao huyện vùng cao khác ở Quảng Ngãi, một thách thức lớn của ngành giáo dục huyện, đó là tình trạng học sinh đi đến lớp không thường xuyên, bỏ học tuy có giảm đi so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao.
 
Trong số này, có một số lượng lớn xuất phát từ hoàn cảnh đáng thương từ gia đình các em. Trong năm học 2017-2018, toàn huyện có hơn 800 em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Trong số này, có đến 34 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chuyện các em không được quan tâm, không được động viên hỗ trợ và dìu dắt để các em vượt qua khó khăn, đến trường đi học thường xuyên rất phổ biến. 
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành, việc khắc phục tình trạng này không phải chuyện một sớm, một chiều mà cần phải có biện pháp căn cơ, bền vững hơn. Cuộc vận động “Mỗi cán bộ giáo viên tham gia nhận đỡ đầu một học sinh yếu, có nguy cơ bỏ học” được hình thành từ những nỗi trăn trở đó. 
 
Toàn huyện Sơn Hà hiện có hơn 600 cán bộ, giáo viên tham gia đỡ đầu cho học sinh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhà giáo.
Toàn huyện Sơn Hà hiện có hơn 600 cán bộ, giáo viên tham gia đỡ đầu cho học sinh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhà giáo, tô đẹp thêm tình cảm thầy và trò.
 
Mặc dù còn nhiều hoàn cảnh cán bộ, giáo viên điều kiện kinh tế rất khó khăn, thế nhưng, từ ngày đầu phát động trong 45 đơn vị trường học trong toàn huyện, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cán bộ, giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở.
 
Ngay sau đó, các thầy cô đã vào cuộc, xác định được hoàn cảnh của từng em và đăng ký với nhà trường để nhận đỡ đầu. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề hỗ trợ về mặt tinh thần; quan tâm, chia sẻ, động viên, tạo điều kiện tốt nhất có thể để các em đến trường và nâng cao chất lượng học tập. 
 
“Sau hơn 1 năm triển khai, toàn huyện có hơn 600 hoàn cảnh đã được các cán bộ, giáo viên trong toàn ngành nhận đỡ đầu. Đáng mừng có nhiều em có nguy cơ bỏ học nhưng đã quay trở lại trường và trở thành những học sinh đi đầu, làm gương cho các bạn ở địa phương noi theo”, bà Thành nhấn mạnh. 
 
Cuộc vận động thật sự là điển hình để các trường học trong tỉnh Quảng Ngãi học hỏi và triển khai. Qua đó, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh về nghĩa cử thầy trò khi mà xã hội đang có nhiều định kiến không tốt về nghề giáo, với những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
----------------
Bài tham gia Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"
 
 

.