Thi thăng hạng giáo viên: Còn lắm băn khoăn

07:04, 12/04/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Sau 7 năm chờ đợi, hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước vui mừng khôn tả khi mới đây Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 20 về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Thế nhưng, cùng với niềm vui ấy là không ít nỗi niềm băn khoăn, trăn trở.

TIN LIÊN QUAN

Tín hiệu vui
 
Từ năm 2011 trở về trước, giáo viên trong quá trình giảng dạy, nếu đã học tập nâng cao chuẩn tốt nghiệp đều được chuyển ngạch lương tương ứng với bằng cấp. Kể từ năm 2012 đến nay, không có một giáo viên nào được chuyển ngạch, dù đã tốt nghiệp đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ.
 
Mãi đến ngày 18.8.2017, Bộ GD-ĐT mới chính thức ban hành Thông tư 20, có hiệu lực từ ngày 3.10.2017. Đối tượng áp dụng dành cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
 
Giáo viên được xem xét cử thi thăng hạng căn cứ vào vị trí việc làm, nhu cầu của đơn vị đang công tác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục trở lên; có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp theo quy định ở hạng đăng ký dự thi. Giáo viên phải thi 4 môn, gồm: kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ và tin học. 
 
Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tư Nghĩa Nguyễn Thanh Phú cho rằng, đây là chủ trương rất đúng, tạo điều kiện cho giáo viên được thăng hạng lương, niềm mong mỏi của giáo viên đã rất lâu rồi khi họ đã tốt nghiệp trình độ cao hơn mà chưa được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. 
 
 
Sau 7 năm chờ đợi, hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước vui mừng khi có điều kiện được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Sau 7 năm chờ đợi, giáo viên trong cả nước vui mừng khi có điều kiện được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
 
Ngay sau khi Thông tư 20 có hiệu lực, các đơn vị, địa phương đã tổ chức xét chọn, cử giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi. Hiện nay, Phòng Nội vụ các huyện đã hoàn thành khâu nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký dự thi của giáo viên để gửi lên Sở Nội vụ. Toàn tỉnh có khoảng 5.000 giáo viên đăng ký thi dự. 
 
Còn lắm băn khoăn!
 
Giáo viên chỉ được tham dự thi thăng hạng từ thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ. Tức là dù giáo viên đang hưởng lương trung cấp, đã tốt nghiệp đại học vẫn không được tham dự thi thăng hạng lên đại học mà chỉ được thi thăng hạng lên cao đẳng.
 
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa Nguyễn Duy Sơn, Thông tư 20 mang đến niềm vui cho giáo viên, thoạt nghe có lợi, nhưng hầu hết giáo viên của trường bày tỏ băn khoăn bởi những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe. 
 
Quy định về chỉ được tham dự thi thăng hạng từ thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ quá thiệt thòi cho giáo viên. Ngoại ngữ và tin học làm khó những giáo viên lớn tuổi. 
 
Tức là dù có chuyên môn tốt, nhưng muốn thi thăng hạng bắt buộc phải đi học, được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và phải thi hai môn này. Nhiều giáo viên tốt nghiệp đã lâu, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã hết hiệu lực, lại phải đi học lại từ đầu. 
 
 

Tiêu chuẩn, điều khiện được thi thăng hạng quá khắt khe. 

 
Cô Ngô Thị Kim Thúy, giáo viên dạy bộ môn Địa lý của Trường THCS Nghĩa Trung bày tỏ, là giáo viên dạy bộ môn xã hội, với đồng lương ít ỏi, cô đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để theo học, đã tốt nghiệp đại học từ năm 2013. 
 
Để đủ điều kiện thi thăng hạng, cô lại phải bỏ ra 2,5 triệu đồng theo học và được cấp Chứng chỉ lớp bồi dưỡng theo tiêu chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy, chưa kể theo học chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Nhưng đổi lại, giáo viên không được truy lĩnh trong thời gian chờ đợi. 
 
Hiện tại, cô Thúy đang hưởng lương bậc 6 của hệ CĐ, nếu được thăng hạng, mức lương được hưởng sẽ là bậc 5 của hệ ĐH. Tính ra, mỗi tháng lương của cô Thúy tăng lên chưa đầy 30.000 đồng/tháng.
 
“Bỏ ra hai mươi mấy triệu đồng để lấy cái bằng đại học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học và thi đỗ mới được thăng hạng, nhưng lương tăng thêm có bấy nhiêu thì quá buồn. Giáo viên mong được thăng hạng vì danh dự, muốn công sức mình đã bỏ ra được công nhận chứ tính kinh tế thì biết bao giờ mới bù lại được?”- cô Thúy phân trần.
 
Một cô giáo đang giảng dạy tại TP. Quảng Ngãi cho rằng, tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học thực sự làm khó giáo viên. Vì thế không ít người không mặn mà khi đăng ký thi thăng hạng. Họ mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét lại các tiêu chuẩn thực tế, khả thi hơn. 
 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 
 

.