Mô hình "Ngôi nhà thông minh" của hai học sinh cấp 2

08:04, 16/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đam mê sáng tạo, học hỏi nghiên cứu khoa học, đặc biệt là am hiểu môn vật lý. Hai em học sinh ở Quảng Ngãi đã chế tạo thành công “Ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường”.

TIN LIÊN QUAN

Đó là em Trịnh Lê Khoa và em Trần Đăng Huy cùng học lớp 9G tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi.

Xuất phát từ sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng cao, cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện năng nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, việc tìm kiếm và sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như điện gió, điện năng lượng mặt trời… vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng. Hiểu được điều đó, cùng với đam mê, Khoa và Huy đã hình thành ý tưởng, tìm tòi, nghiên cứu ra mô hình “Ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường”.

Đam mê nghiên cứu khoa học giúp Khoa và Huy thực hiện thành công mô hình
Đam mê nghiên cứu khoa học giúp Khoa và Huy thực hiện thành công mô hình.

 

Sau hai tháng nghiên cứu và được sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo viên bộ môn Vật lý, hệ thống điều khiển ngôi nhà thông minh đã dần hoàn thiện với các nguyên liệu có sẵn trên thị trường như: Nguồn điện 220V, tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, mạch đọc thẻ từ RC522, bộ sạc… Ngôi nhà thông minh có thể tự động sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời thay thế cho điện lưới Quốc gia, hệ thống khóa cửa bảo vệ ngôi nhà bằng mã đọc thẻ được tích hợp sẵn, có đèn báo chống trộm.

Khoa cho biết, để hệ thống ngôi nhà thông minh được hoạt động thành công cần phải có nguồn điện 12V ổn định. Đầu tiên, sử dụng tấm năng lượng mặt trời 36V được lắp đặt nằm trên mái của ngôi nhà nhằm hấp thụ ánh sáng mặt trời để chuyển đổi nhiệt năng thành điện năng, sau đó nguồn điện chạy qua bộ chuyển đổi điện năng adapter 12V cung cấp cho ngôi nhà.

Ngoài ra, ngôi nhà còn có một bình ắc quy dự phòng được sạc bằng nguồn điện năng lượng mặt trời dùng để tích trữ điện năng phục vụ cho ngôi nhà vào ban đêm. Trường hợp khi điện năng lượng mặt trời không đủ sử dụng cho ngôi nhà thì lúc đó sẽ dùng mạng lưới điện Quốc gia 220V được chuyển đổi qua thiết bị adapter giảm xuống còn 12V để sử dụng.

Còn với hệ thống khóa cửa thông minh, Khoa và Huy sử dụng thẻ từ đúng quét vào mạch đọc thẻ RC522 để mở cửa. Trong thời gian cửa bị khóa, người dùng chỉ cần đưa thẻ lên bộ cảm biến RC522 để quét mã thẻ, thẻ đúng sẽ có đèn led xanh báo hiệu và cửa tự động mở ra. Trường hợp dùng thẻ sai hệ thống sẽ báo sai, lúc này đèn led đỏ báo hiệu, khi vượt quá 3 lần quét thẻ sai lúc đó chuông báo động chống trộm sẽ reo lên.

Sau hai tháng thực hiện, mô hình ngôi nhà thông minh đã hoạt động thành công
Sau hai tháng thực hiện, mô hình ngôi nhà thông minh đã hoạt động thành công

 

Nói về ưu điểm của ngôi nhà, Huy cho biết: “Điểm vượt trội của ngôi nhà thông minh chính là tiết kiệm điện năng, sử dụng tối đa năng lượng sạch thân thiện với môi trường và có hệ thống chống trộm hiệu quả. Tuy bước đầu là mô hình tượng trưng nhưng tỉ lệ thành công khá cao, có thể áp dụng vào thực tế”.

“Vì kiến thức trung học cơ sở của các em chỉ ở mức độ hiểu biết cơ bản nên khi nghe các em trình bày ý tưởng tôi cũng nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ cho các em trong các khâu lý thuyết, giải thích nguyên lý hoạt động của ngôi nhà giúp các em thực hiện ý tưởng đó thành công”. Thầy Lê Tấn Quốc, giáo viên hướng dẫn cho biết.

Thầy Trần Quốc Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Hai em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tính sáng tạo và khả năng áp dụng thực tế cao. Với mô hình ngôi nhà thông minh này, mong rằng các em học sinh sẽ ngày càng phát huy được tính sáng tạo, mang lại thành tích cao trong học tập và cống hiến nhiều điều có ích cho đời sống xã hội”.

Vừa qua, đề tài “Ngôi nhà thông minh thân thiện với môi trường”, hai em đã xuất sắc đạt giải Nhì hội thi “Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2017 - 2018”.

Bài, ảnh: P. VIÊN


.