Lên facebook kêu gọi hỗ trợ xây trường cho học trò vùng cao

05:04, 10/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)-  Hơn 20 năm gieo chữ giữa đại ngàn, nhìn cảnh học trò học chữ trong phòng học tranh tre nứa lá, thiếu ăn, đói mặc, Hiệu trưởng Trường TH xã Trà Nham (Tây Trà), cô Ngô Thị Hoa đã không trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà nghĩ ra cách lên facebook xin tiền hỗ trợ xây trường cho trò nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Lên Facebook tìm mạnh thường quân
 
Vượt qua 80km từ đồng bằng lên xã Trà Lãnh, chúng tôi tiếp tục vượt gần 10km đường đèo dốc cheo leo để đến nơi khó khăn nhất của huyện Tây Trà là xã Trà Nham. Trường TH xã Trà Nham nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cao quanh năm bao phủ sương mù. 
 
Đón chúng tôi, cô giáo Quỳnh Duyên nói vui: “Ai một lần đến nơi này đều nghĩ đến chuyện quay về. Mùa đông mới nếm trải hết cái khắc nghiệt trên đỉnh núi cao, đường sá như ruộng cày. Các bạn đến hôm nay dễ đi nhất rồi”. 
 
Theo chân cô Hoa, chúng tôi đến dãy phòng học được dựng bằng tôn khang trang, sạch sẽ, trần nhà được trang bị lớp xốp chống nóng vào mùa hè và giữ nhiệt vào mùa đông cho học sinh, để nghe cô Hoa kể về những tháng ngày bám trường, bám lớp. 
 
Nay là năm thứ 24 cô Hoa gieo chữ trên non và đã 21 gắn bó với mái trường này. Cảnh các trò học chữ trong những phòng học tre nứa lá cũ nát, nắng rọi rát mặt, mưa nước tạt ướt sũng cả cô lẫn trò, học trò thiếu ăn, đói mặc đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của cô, nhưng đành bất lực.
 
 
Nhờ nguồn vận đồng mà học sinh Trường TH Trà Nham đã được học trong phòng học xây và tôn kiên cố.
Nhờ nguồn vận động từ các mạnh thường quân mà học sinh Trường TH xã Trà Nham đã được học trong phòng học khá kiên cố.
 
Hai năm trước, khi facebook đang “phủ sóng” khắp nơi, nhiều đêm nát óc suy nghĩ, cô chợt nghĩ ra cách lên facebook kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ trò nghèo. Hình ảnh ghi lại về cảnh khốn khó của học sinh đã “lên sóng”, nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ đông đảo người dùng. 
 
Nhiều bao quần áo cũ, sách vở đã đến với học sinh. Chương trình “Cơm có thịt” đã hỗ trợ cho mỗi em 10.000 đồng/ngày. Các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho trường để làm con đường bê tông lên trường.
 
May mắn gõ cửa một lần nữa khi có mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để xây 7 phòng học khang trang. Cô Hoa cùng các thầy, cô giáo tiếp tục lên facebook vận động được 800 triệu đồng xây nhà vệ sinh, sân trường, nhà ăn bán trú, công trình nước sạch.
 
“Khi xây dựng các công trình, giáo viên đi từng nhà vận động phụ huynh góp công. Họ đã cho của thì mình góp công. Ngày nhìn trường lớp khang trang, các thầy cô giáo mừng đến rơi nước mắt” - cô Hoa tâm sự.
 
Khi đã có được ngôi trường khang trang, nhìn cảnh các em học sinh vẫn còn quá thiếu thốn, cô Hoa, cô Duyên và các thầy cô giáo lại tiếp tục “đi xin”. Cô Hoa bảo: Nhiều khi cũng ngại lắm, nhưng rồi thấy các em như thế mình không đành. 
 
 
Những đôi dép sandal cô Hòa vừa mới xin được học sinh nâng niu treo bên bàn học.
Những đôi dép cô Hòa vừa mới xin được học sinh nâng niu treo bên bàn học.
 
Không chỉ xin hỗ trợ qua facebook, vào cuối tuần cô Hoa và cô phó hiệu trưởng lại lặn lội xuống tận chợ Quảng Ngãi xin áo mưa, dép, mũ, cặp, tới các cửa hàng văn phòng phẩm xin dụng cụ học tập cho trò nghèo. 
 
“Trường có gần 290 học sinh, đã xin đủ cho mỗi em 1 cái áo mưa, mũ, ghế ngồi chào cờ, bộ đồ dụng cụ học tập, dép thì còn thiếu 30 đôi số lớn, họ hứa hết tuần này sẽ có. Khổ nổi, các em mang về nhà, bố mẹ, anh chị lại lấy mũ, dép, áo mưa của các em sử dụng làm hư, mình lại đi xin bù cho chúng nó” - cô Hoa cười tươi khoe.
 
Dép sandal mới toanh vừa xin được các em học sinh nâng niu bỏ trong bao ni lông treo bên bàn học. Với học sinh nơi đây, nó là món quà “xa xỉ” có mơ các em cũng không dám nghĩ tới.
 
"Con mang dép cũ đi học, còn đôi dép mới này chỉ mang vào những lúc sinh hoạt tập thể trong trường. Nó đẹp quá phải để dành, mang nhiều mau hư, tiếc lắm!” - em Hồ Thị An chia sẻ.
 
Dạy học trò làm người
 
Hết lòng vì sự nghiệp gieo chữ trên non cao, cô Hoa luôn tâm niệm: Trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi dạy trẻ làm người, dạy trẻ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và  cộng đồng. Cô đã dạy trẻ bằng cả trái tim.
 

Cùng với việc dạy chữ, cô Hoa luôn chú trọng đến việc dạy làm người cho học sinh.

 
Cô Hoa cho rằng: Để giáo dục được đạo đức, lối sống nền nếp với học sinh vùng cao là vô cùng gian nan, vì các em đã quen với cách sinh hoạt của gia đình. Từ kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết, cô và các thầy cô giáo đã quyết tâm tạo dựng, hình thành các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
 
Để học sinh nghe theo, làm theo, trong tất cả các hoạt động trên lớp cũng như sinh hoạt bán trú ở trường, các thầy cô giáo luôn làm gương, ra tay thực hành trước, học sinh làm theo sau. Một lần đến với Trường TH Trà Nham, chắc hẳn mọi người sẽ thấy ấn tượng bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ từ ngoài vào trong.
 
Tất cả các dụng cụ học tập, dụng cụ ở bán trú được các em để gọn gàng; cây, hoa được chăm chút xanh tươi, đến một chiếc lá rơi xuống sân trường cũng được các em học sinh nhặt lên bỏ vào sọt rác. Gặp ai các em cũng vòng tay chào lễ phép từ xa.
 
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Nguyễn Hữu Duy, việc cô Hoa huy động được nguồn hỗ trợ lớn xây dựng trường lớp cho các em học sinh nghèo là việc làm đáng trân trọng trong điều kiện huyện nhà còn nhiều khó khăn. Nhờ trường lớp khang trang, chất lượng giáo dục được nâng cao nên dù là nơi khó khăn nhất huyện, nhưng Trường TH Trà Nham vẫn là một trong những điểm sáng của ngành giáo dục huyện nhà. 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
* Bài viết tham dự Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý".
 

.