Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhiều vướng mắc trong thủ tục cấp phép

10:04, 24/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT). Tuy nhiên, khi triển khai thì bị vướng một số quy định trong cấp phép đào tạo các nghề sơ cấp...

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, những nghề như may công nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4, kỹ thuật trồng trọt... được nhiều LĐNT đăng ký học, vì phù hợp với nhu cầu, đặc điểm ngành nghề của địa phương. Đơn cử như nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4, có rất nhiều ngư dân trong tỉnh đăng ký học.

Nhu cầu học nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 của ngư dân trong tỉnh rất lớn, nhưng do vướng về thủ tục cấp phép nên chưa có nhiều người theo học.
Nhu cầu học nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 của ngư dân trong tỉnh rất lớn, nhưng do vướng về thủ tục cấp phép nên chưa có nhiều người theo học.

Năm 2015, anh Bùi Ngọc Thuận- Thuyền trưởng tàu cá QNg 90289-TS ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đăng ký học nghề thuyền trưởng và vận động em trai là anh Bùi Ngọc Hải học nghề máy trưởng. Sau đào tạo, cả hai đã có thêm kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác; các quy định của pháp luật khi khai thác trên biển; cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố, cứu hộ, cứu nạn, tránh bão... “Từ khi học nâng cao tay nghề và được cấp bằng, chúng tôi rất vững tin khi điều khiển tàu công suất 350CV vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản xa bờ”, anh Thuận cho biết.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Việt Hùng, thời gian qua do vướng một số quy định trong cấp phép đào tạo nghề trình độ sơ cấp nên công tác đào tạo nghề cho LĐNT có phần chững lại so với những năm trước. Ông Hùng dẫn chứng, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ có quy định, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN đối với trường CĐ, cơ sở giáo dục ĐH (bao gồm trình độ CĐ, TC và SC); còn Sở LĐ-TB&XH chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN đối với trường TC, trung tâm GDNN và doanh nghiệp (trình độ trung cấp, sơ cấp).
 

Qua 7 năm triển khai Đề án 1956, Quảng Ngãi có 37.518 LĐNT được đào tạo nghề, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ 30,5% năm 2011 lên  47% vào năm 2016. Trong đó, 34.619 người có việc làm, thêm việc làm. Năm 2018, tỉnh đưa ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT  là 3.000 người.

Theo quy định trên, các trường CĐ trong tỉnh phải gửi hồ sơ cho Tổng cục GDNN để xin cấp giấy chứng nhận hoạt động GDNN trình độ sơ cấp. Ông Hùng cho biết thêm: Năm 2018, người dân Sơn Hà có nhu cầu học nghề chế biến tinh dầu sả với số lượng 30 người.

Tuy nhiên, các đơn vị do Sở LĐ-TB&XH cấp phép đào tạo lại không có giáo viên cơ hữu dạy nghề này. Trong khi đó, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đáp ứng yêu cầu, nhưng muốn đào tạo thì phải ra Tổng cục GDNN xin cấp phép. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian, trong khi kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT chỉ khoảng 2 triệu đồng/người.

Đối với các nghề đặc thù, như thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4, năm 2017, Sở LĐ-TB&XH phải mời trường Trung học Thủy sản TP.Hồ Chí Minh về đào tạo, vì không có đơn vị giáo dục nào của tỉnh đáp ứng đủ điều kiện cấp phép đào tạo. Ngoài việc phải xin giấy chứng nhận được đào tạo hoạt động GDNN trình độ sơ cấp, đơn vị đào tạo này còn phải xin cấp phép được đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng do Tổng cục Thủy sản cấp...

Không chỉ vậy, căn cứ vào quy mô đào tạo của trường, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ được cấp phép đào tạo nghề này cho trường với quy mô 100 học viên. “Quảng Ngãi có hơn 5.000 tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn 3.000 người được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Do đó, nhu cầu học nghề của ngư dân là rất lớn, nhưng do hạn chế về quy mô cũng như vướng các thủ tục nên số lượng người được đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu”, ông Hùng cho biết thâm.

Trước những vướng mắc đó, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề xuất sửa đổi thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp đối với các trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm GDNN và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, Sở LĐ-TB&XH mới có thể chủ động trong việc xây dựng danh mục nghề đào tạo, kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở các ngành nghề của địa phương; đồng thời có điều kiện kiểm tra năng lực các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.