Đào tạo nghề và lao động có tay nghề

01:01, 08/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi Lương Kim Sơn thì trong năm 2018 này, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động. Đó là con số người lao động, con số “cầu” quá lớn đối với một tỉnh như Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Trong rất nhiều lĩnh vực cần lao động ở Quảng Ngãi, thì số lượng lao động có tay nghề để cung ứng cho nhu cầu là quá thấp. Không phải Quảng Ngãi thiếu người ở độ tuổi lao động. Cái thiếu ở đây là thiếu người có tay nghề lao động, có kỹ năng lao động phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Có một nghịch lý, là nhiều trường đại học và cao đẳng nghề ở Quảng Ngãi hằng năm vẫn thu hút một số lượng lớn sinh viên theo học, nhưng khi tốt nghiệp ra trường, thì họ đều nói là tìm việc cực kỳ khó khăn. Trong khi nhu cầu về người lao động của tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 là 40.000 lao động, theo Giám đốc sở LĐ-TB&XH công bố. Một đằng thì học xong không xin được việc làm, một đằng thì nhu cầu người lao động lại quá cao mà không biết kiếm đâu ra, có lẽ tỉnh Quảng Ngãi nên xem xét nghịch lý này một cách thật nghiêm túc.

Bởi, theo Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi Đoàn Dụng thì, hiện số lượng lao động có trình độ đại học, cao đẳng ở Quảng Ngãi khá nhiều. Bởi chỉ riêng kỳ thi tuyển công chức, viên chức trong năm 2017, chỉ tiêu tuyển hơn 100 người, tuy nhiên có tới 7.000 người có trình độ đại học chính quy, cao đẳng nộp hồ sơ. Như vậy, số tham gia thi tuyển sẽ còn dư ra rất nhiều. Thực tế ấy nói lên điều gì?

Thứ nhất, nó nói lên sự không tương thích giữa đào tạo và tuyển dụng. Thứ hai, nó nói lên một điều rất rõ ràng mà nhiều người vẫn không nhận ra: Cánh cửa công chức, viên chức nhà nước hiện là quá hẹp, trong khi lại có quá nhiều người muốn “lọt” vào cửa đó, mà không nghĩ rằng, còn nhiều cửa khác rộng mở hơn cho mình, miễn là mình quyết chọn. Nếu ai cũng muốn làm công chức cả, thì lấy ai làm công nhân? Quảng Ngãi đang chủ trương công nghiệp hóa, chủ trương thu hút đầu tư công nghiệp, mà không đào tạo được lực lượng công nhân có tay nghề có kỹ năng tương thích, thì làm sao công nghiệp hóa?

Tôi đã thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp một số trường đại học và cao đẳng ở Quảng Ngãi, do không tìm được việc khi ra trường, đã phải làm những công việc lao động đơn giản như phục vụ ở các nhà hàng, các quán cà phê để kiếm sống qua ngày. Coi như bao nhiêu kiến thức học trong trường đều "đổ sông đổ biển”. Nếu chúng ta cứ tiếp tục đào tạo như thế, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục “khát” lao động, còn người thất nghiệp thì vẫn tiếp tục “khát” việc làm ổn định. Hai cái “khát” ấy không thể “giải” cho  nhau, vì người thất nghiệp không có tay nghề tương ứng, còn doanh nghiệp thì chưa đủ khả năng tái đào tạo.

Tại sao doanh nghiệp không trực tiếp “đặt hàng” các trường đào tạo, còn các trường thì phải chuyển đổi mục tiêu đào tạo để phục vụ đúng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp? Câu hỏi này cần được trả lời ngay, nhưng kết quả thì lại phải... chờ. Vì không thể bỗng chốc mà các trường đào tạo được ngay những lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.


 THANH THẢO
 


.