Để học sinh bớt chán học môn văn

03:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Học sinh hiện nay có biểu hiện chán nản, “quay lưng” với Ngữ văn, một môn học quan trọng ở nhà trường phổ thông. Vậy đâu là biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Hàng loạt nguyên nhân cơ bản của vấn đề đã từng được chính các thầy cô giáo dạy văn, người trong cuộc chỉ ra: Môi trường xã hội hiện đại có nhiều đổi thay; học môn văn, ra trường khó xin việc, đời sống kinh tế gặp khó khăn;  học sinh lười biếng, học theo kiểu đối phó, thực dụng, chỉ để đủ điểm lên lớp, để thi vào lớp 10, thi THPT quốc gia; một số giáo viên dạy hạn chế, cứng nhắc, không truyền được “ lửa”, cảm xúc đến học trò; nhiều nội dung, thông tin, tác phẩm lạc hậu hay mang tính hàn lâm, không phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp nhận của học trò.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học.                                              ẢNH: TL
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học. ẢNH: TL


Theo tôi, trước hết, trong thiết kế, biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới bộ môn này ở thời gian sắp tới, các nhà viết sách cần làm toát lên được đặc trưng, chức năng của môn học khoa học, môn học công cụ và môn học giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân văn. Cắt bỏ những thông tin, kiến thức, tác phẩm lạc hậu, trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế, ít có tính ứng dụng, không phù hợp với tâm  lý lứa tuổi học sinh.

Cụ thể bớt đi những tác phẩm Văn học trung đại, thơ Đường (Văn học Trung Quốc) đang chiếm một khối lượng, tỷ lệ khá lớn trong chương trình, sách giáo khoa THCS và THPT hiện hành. Đặc điểm của nó là sử dụng thi pháp Trung đại, có nhiều điển tích, điển cổ, ngữ liệu, thi liệu cổ nên rất khó tiếp nhận đối với  lứa tuổi học sinh, nhất là các em ở bậc THCS. Cần chọn lọc, bổ sung thêm những văn bản, tác phẩm văn học tiêu biểu, có giá trị, đa dạng về thể loại... của thời kỳ hiện đại. Hơn nữa, chương trình, sách giáo khoa nên tăng cường thời lượng thực hành ở phần làm văn và tiếng Việt để rèn luyện, trau dồi kỹ hơn khả năng hiểu- nói- viết cho học sinh, vì đây đang là điểm yếu nhất của không ít học sinh hiện nay.      

Trong dạy học bộ môn Văn, vai trò truyền “lửa”, định hướng cảm thụ văn học của thầy, cô giáo vô cùng quan trọng. Thực ra môn Văn, các tiết đọc- hiểu văn bản luôn rất hấp dẫn, dễ lôi cuốn học trò, nếu như người thầy biết cách dạy, biết cách khai thác, gợi mở vấn đề bằng cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học hiện đại. Bởi trong nhiều thế hệ học sinh và giáo viên trước đây từng “thấm" câu quen thuộc: "Học Văn, dạy Toán, ăn thể dục”. Tức là, học Văn là thích nhất, sướng nhất. Đầu tiên, giáo viên phải được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm. Trong quá trình dạy- học, các thầy cô giáo không ngừng rèn luyện và luôn có ý thức tự làm mới mình, làm mới tiết dạy trên lớp, tránh lối dạy áp đặt, gò bó, rập khuôn, máy móc...

Để chất lượng đội ngũ giáo viên được đồng đều, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, các cấp quản lý giáo dục cần chú trọng đến việc bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và tăng cường công tác thanh kiểm tra, dự giờ đột xuất, nhằm kịp thời nắm bắt và chỉnh đốn lối dạy. Mặt khác, về phía phụ huynh và học sinh cần có thái độ đúng đắn về môn Văn, bởi nó rất cần thiết cho hành trang bước vào công việc, cuộc sống sau này.


ĐỖ TẤN NGỌC


 


.