Chính quy và tại chức

04:11, 25/11/2017
.

TRẦN ĐĂNG
 
(Baoquangngai.vn)- Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quy định: "Cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố". Đây là điều kiện cần cho một cán bộ lãnh đạo hiện nay, đó là anh phải học hành bài bản ở các trường đại học.
Để tiếp cận với tri thức của nhân loại nhằm phục vụ cho đời sống của chính mình và cho cộng đồng, người ta có thể đi bằng nhiều con đường và nhiều cách khác nhau. Có điều kiện thuận lợi thì theo học trường lớp bài bản, thông qua thi cử chọn lọc nghiêm túc, không có điều kiện thì theo học chuyên tu hay tại chức với hình thức đầu vào dễ dàng, thậm chí không cần thi đầu vào.
 
Hệ thống giáo dục đào tạo ở nước ngoài là vậy. Anh đi học, dù bằng bất cứ hình thức nào, trước hết là để phục vụ cho công việc của chính anh chứ không phải học để lấy cái bằng cho oai, càng không phải lấy đó làm cơ sở để cất nhắc vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Đa dạng các hình thức đào tạo như vậy là để đáp ứng nhu cầu có thực của người học. Nhu cầu đó không gì ngoài kiến thức, sẽ phục vụ cho công việc hàng ngày của chính người theo học. 
 
Nước ta, trong suốt một thời gian dài, nhiều thế hệ phải cầm súng đứng lên để giải phóng đất nước và bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc nên nhiều người không có điều kiện đến trường. Do đặc thù của lịch sử như vậy, các thế hệ đó, họ chỉ quen cầm súng chứ không quen cầm bút. Vì vậy, sau khi đất nước được giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng, bàn tay cầm súng ngày nào, giờ phải “cầm bút” mới có thể gánh vác được trọng trách mới. 
 
Khi bắt đầu cầm bút thì tuổi tác đã qua ngưỡng của thời cắp sách đến trường. Vì vậy, sau ngày hòa bình, hàng loạt các trường bổ túc văn hóa mở ra là để “đại tu” tri thức cho những người từng tham gia kháng chiến, không có điều kiện đến trường. Tiếp theo các lớp bổ túc ấy là các lớp tại chức, chuyên tu ở các trường đại học. Cũng phải thừa nhận một điều thế này: Nhiều bậc cha chú thời ấy, dù là học tại chức nhưng khả năng tiếp thu tri thức rất nhanh, thậm chí nhiều người học lực khá giỏi bằng chính năng lực của mình chứ không dựa vào lý lịch. 
 
Tuy nhiên, đại đa số là không theo kịp với chương trình. Học bổ túc 2-3 lớp một năm thì cũng khó mà thu nạp tri thức cho tốt được. Vì hỏng chân ở bậc phổ thông nên nhiều người không theo nổi đại học chính quy. Thế là có một “cơ chế mở” đã mở toang cửa cho những ai không theo kịp các lớp đại học chính quy. Đó là hệ tại chức. Cứ đi làm vài ba tháng, lại cắp cặp về trường theo học vài ba tháng. 
 
Dù hiệu quả mang lại chẳng đáng là bao song mọi người cũng thể tất cho những trường hợp vừa đi học vừa đi làm này. Được đi học, dù tiếp thu kiến thức ở mức độ nào, cũng là điều đáng quý. Không ai có thể dè bỉu cho cái sự học của người khác cả. Có điều, những “biến tướng” trong quy định về bằng cấp để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã sinh ra những hệ lụy từ câu chuyện học tại chức này.
 
Như đã phân tích trên đây, do hoàn cảnh lịch sử để lại nên những năm trước đây, tỉnh Quảng Ngãi quy định những ai sinh sau năm 1965 mà tốt nghiệp đại học tại chức thì không được đề bạt, bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo. Mới đây, vào tháng 8.2017, tỉnh lại nâng thêm một mức là những ai sinh sau 1975 mà tốt nghiệp đại học hệ tại chức thì không được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt trưởng phó phòng cấp sở, huyện, thành phố.
 
Vì sao có sự “nâng cấp” này? Vì những người sinh sau năm 1975, nay mới ngoài 40 tuổi thì không có lý do gì để học tại chức ngoài một lý do là thi không đỗ vào đại học chính quy. Như mọi người đã biết, đã 30 năm nay, câu chuyện lý lịch trong quá khứ của cha mẹ thí sinh không còn quyết định đến chuyện thi đại học nữa. Vì vậy, không có lí do gì để nói rằng do hoàn cảnh lịch sử mà người đó không được vào trường đại học chính quy để chuyển qua học tại chức cả. 
 
Tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra quy định như vậy là nhằm "nâng tầm" cho đội ngũ công chức, viên chức. Bởi nói gì thì nói, một trong những điều kiện cần cho một cán bộ lãnh đạo hiện nay, đó là anh phải học hành bài bản ở các trường đại học.
 
Thế nhưng, trong quy định đó, lại lộ ra một kẽ hở, đó là chỉ quy định tốt nghiệp đại học chính quy chứ không đề cập đến tốt nghiệp thạc sĩ. Nắm bắt cơ hội để lách luạt này, không ít cán bộ, sau khi tốt nghiệp tại chức đại học đã lên đường “nghiên cứu sinh”, làm luận án thạc sĩ. Bằng thạc sĩ trong trường hợp này, nghiễm nhiên đã che khuất cái quá khứ học tại chức của anh ta trước đó! Thế là phải có thêm một quy định mới: Cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được quy hoạch, bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố.
 
Chuyện học kém, thi trượt đại học mà làm quản lý, lãnh đạo giỏi không phải là không có, nhưng rất hãn hữu. Ngược lại, không phải anh tốt nghiệp loại giỏi, bằng đỏ đại học chính quy là nghiễm nhiên phải là người lãnh đạo xuất sắc. Dù có những “độ vênh” giữa học tập và thực tiễn như thế, song có một chuẩn mực chung là anh phải học chính quy, tức là anh đã qua sàng lọc ngay từ khi thi đại học, thì khả năng tiếp nhận cái mới, khả năng điều hành công việc vẫn tốt hơn rất nhiều. Đó là điều chắc chắn. 
 
Chúng ta đã từng có những nhà lãnh đạo xuất sắc, cả trong chiến tranh lẫn trong xây dựng đất nước dù họ không được học hành bài bản. Tuy nhiên, không được học hành bài bản là do hoàn cảnh lịch sử chứ không phải do năng lực học tập kém. Còn bây giờ, mọi cánh cửa của các trường đại học đều mở toang để đón nhận những ai đủ năng lực để bước vào đó. Vì vậy, lấy bằng đại học chính quy ra để làm thước đo trong việc cất nhắc, đề bạt cán bộ là việc nên làm.
 
Tuy nhiên, trong một mớ bòng bong của đủ các loại bằng cấp hiện nay thì những người làm công tác cán bộ cũng phải nên dựa vào năng lực thực tế của từng cán bộ nữa chứ không nên rập khuôn, máy móc. Học chính quy mới là điều kiện cần, còn phải có điều kiện đủ-tức năng lực thực tế nữa thì chúng ta mới có những cán bộ lãnh đạo thạt sự tốt để điều hành bộ máy nhà nước. Đánh giá cán bộ để cất nhắc, đề bạt phải dựa vào hai điều kiện đó thì mới được. Điều này đòi hỏi sự công tâm rất lớn của những người cầm cân nảy mực vậy.
 

.