Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

09:10, 10/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ở miền núi tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để dạy tiếng Việt cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

TIN LIÊN QUAN

        
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, trong thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng học sinh là con em đồng bào các DTTS, nhất là bậc tiểu học vẫn còn rất yếu tiếng Việt, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập.

Yếu tiếng Việt do đâu?

Cô giáo Phạm Thị Sơn, dạy lớp 2 điểm trường lẻ thôn Nước Lăng, xã Ba Xa (Ba Tơ) cho biết, học đến lớp 2 nhưng nhiều học sinh người DTTS vẫn chưa hiểu nghĩa của những từ rất đơn giản, gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn miền núi, nhất là ở các điểm trường lẻ.

Thông qua các đồ chơi, hoạt động ngoại khóa, cô giáo vùng cao giúp trẻ em dân tộc thiểu số học tiếng Việt.
Thông qua các đồ chơi, hoạt động ngoại khóa, cô giáo vùng cao giúp trẻ em dân tộc thiểu số học tiếng Việt.


Theo Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Lê Thị Kim Ánh, nguyên nhân chủ yếu là kỹ năng sư phạm, trình độ giáo viên còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên mầm non dạy trẻ em DTTS Hrê, Ca Dong, Cor ở các huyện miền núi có hơn 880 người, tiểu học gần 5.500 người, nhưng đa số là giáo viên người Kinh, không biết tiếng của đồng bào DTTS. Bậc mầm non có 277/880 giáo viên, tiểu học 241/5.500 giáo viên người DTTS.

Sự bất đồng về ngôn ngữ giữa cô và trò dẫn đến hạn chế trong tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đội ngũ giáo viên người DTTS tuy có trình độ đạt chuẩn, nhưng hình thức đào tạo không chính quy, khả năng dạy chữ cho các em cũng có hạn, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Mặt khác, ngoài giờ học các em chủ yếu giao tiếp với ông bà, cha mẹ và bà con lối xóm bằng tiếng mẹ đẻ, nên phần nào hạn chế khả năng nói tiếng Việt.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Từ những thực trạng trên, UBND tỉnh có Quyết định số 80/QĐ-UBND về việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS. Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, cho biết: Năm học 2017 – 2018, Sở tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS.

Trước hết, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng môi trường tiếng Việt; mở rộng trường học để tổ chức cho trẻ mầm non học 2 buổi/ngày và bán trú; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh DTTS, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên; hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS; tiếp tục triển khai thực hiện tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS do Vụ Giáo dục Mầm non biên soạn, giúp giáo viên linh hoạt trong việc lựa chọn hoạt động dạy học phù hợp với chủ đề, phù hợp với trẻ và thực tế tại địa phương. Đối với trẻ lớp 1, Sở cũng đã chỉ đạo các trường tăng thời lượng dạy tiếng Việt, thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa...

Chính quyền các huyện miền núi cũng tăng cường hỗ trợ hoạt động dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Văn Thìn, cho biết: Huyện đã trích kinh phí hỗ trợ cho giáo viên dạy trẻ trước khi vào lớp 1. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không dạy cho các em biết chữ, biết đọc trước khi vào lớp 1, nhưng do đặc thù vùng cao, nếu không dạy trước tiếng Việt cho các em thì với chương trình sách công nghệ giáo dục lớp 1 hiện nay, các em rất khó nắm bắt, bởi trẻ DTTS nói chưa rành, thì khó có khả năng đọc, viết các môn học khác như học sinh người Kinh.

Còn tại huyện Ba Tơ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Giang Nam, huyện đã chỉ đạo các trường tăng cường dạy tiếng Việt bằng hình thức sân khấu hóa; đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, tùy theo từng vùng miền để sát với các em, khơi gợi trong các em trí nhớ đối với tiếng Việt; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp; chỉ đạo ngành giáo dục xếp loại, đánh giá học sinh lên lớp trong học kỳ đúng năng lực học tập của các em, không chạy theo thành tích.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN  

 


.