Triển vọng xuất khẩu lao động ngành ngư nghiệp

04:09, 16/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngành ngư nghiệp tại thị trường Hàn Quốc đã và đang mang lại nguồn lợi kinh tế cho nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện bền vững, đòi hỏi mỗi lao động phải thay đổi nhận thức, tập quán trong sinh hoạt và lao động...

TIN LIÊN QUAN

Cho thu nhập cao

Trên địa bàn tỉnh, các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi có nguồn lực về lao động (LĐ) ngành ngư nghiệp tương đối lớn và là lợi thế trong việc xuất khẩu LĐ. Trong đó, xã Bình Châu (Bình Sơn) là địa phương dẫn đầu. Theo thống kê của xã Bình Châu, trong 2 năm 2015 - 2016 đã có 150 LĐ ngành ngư nghiệp đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Nhiều gia đình có đến 2 - 3 người cùng đi XKLĐ ngành nghề này. Hằng năm, bình quân mỗi LĐ của xã Bình Châu chuyển về gia đình trên 300 triệu đồng.

 Ở thôn Định Tân, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng nhờ thu nhập cao của các LĐ tham gia XKLĐ ngành ngư nghiệp tại Hàn Quốc.
Ở thôn Định Tân, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng nhờ thu nhập cao của các LĐ tham gia XKLĐ ngành ngư nghiệp tại Hàn Quốc.


Thôn Định Tân là nơi có LĐ ngư nghiệp đi XKLĐ đầu tiên và nhiều nhất toàn xã Bình Châu. Nhờ đó mà nhiều gia đình có cuộc sống ngày càng khấm khá, tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Phong, Phạm Hiệp có con đang XKLĐ tại Hàn Quốc, mỗi tháng gửi về trung bình 40 triệu đồng; ông Nguyễn Tư có 3 người con XKLĐ, nay đã hết thời gian trở về đã tích lũy được một nguồn vốn lớn để lo cuộc sống gia đình... Nhờ đó mà thôn Định Tân như được khoác tấm áo mới, bởi những ngôi nhà khang trang lần lượt mọc lên, thay thế cho những ngôi nhà cũ nát ở xóm chài nghèo khó khi xưa.

Vẫn còn nhiều thách thức

Do có thu nhập cao, nên một số lao động sau khi hết thời gian hợp đồng đã trốn ở lại Hàn Quốc, mong tìm được việc làm mới hoặc bỏ trốn ra ngoài làm việc cho đơn vị khác, nên đã gây ảnh hưởng khá lớn đến cơ hội việc làm cho những người đi sau.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên, cho biết: Những năm qua, đơn vị luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cố gắng bám sát các gia đình, vận động người thân cùng vào cuộc tuyên truyền để lao động sau khi qua Hàn Quốc thực hiện đúng hợp đồng, không bỏ trốn làm ảnh hưởng đến bản thân họ và cả những lao động đang có nguyện vọng đi XKLĐ ở Hàn Quốc.

Do số lượng LĐ Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khá đông nên hiện nay, cả nước chỉ còn có 6 công ty được cấp phép; hạn ngạch hằng năm rất hạn chế, không quá 300 lao động/năm; chi phí đi rất cao, khoảng từ hơn 160 triệu đồng đến 190 triệu đồng (bao gồm tiền đặt cọc chống trốn).

Đa phần LĐ của tỉnh ta đi chủ yếu qua kênh của Chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài (EPS), được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ với 15 nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc, trong đó có Việt Nam. Chương trình EPS mở lại đối với Việt Nam từ tháng 5.2016 đến nay, mỗi năm có khoảng 800 chỉ tiêu, chi phí đi rất thấp, chỉ gần 14 triệu đồng.

Qua kênh này, LĐ phụ thuộc vào chỉ tiêu mà Bộ LĐ-TB&XH giao cho tỉnh, điều kiện thi tuyển gắt gao hơn, phải thông qua 2 kỳ kiểm tra tiếng Hàn và tay nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ LĐ thi đỗ để đi bằng Chương trình EPS không cao. Năm 2016, tỉnh ta có 125 LĐ đăng ký XKLĐ ngành ngư nghiệp, nhưng chỉ có 45 LĐ thi đỗ tiếng Hàn và tay nghề được phép XKLĐ. Vì thế, nhiều LĐ cho rằng, XKLĐ bằng Chương trình EPS, tuy chi phí thấp, nhưng rất khó đáp ứng điều kiện.

Theo Phòng Việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH, việc XKLĐ ngành ngư nghiệp tại Hàn Quốc cho thu nhập rất cao, trong khi đó, tỉnh ta lại có lợi thế lớn về nguồn lực lao động này. Tuy nhiên, người LĐ muốn tham gia XKLĐ lĩnh vực ngư nghiệp tại Hàn Quốc cần phải nỗ lực học tập để có thể đáp ứng các tiêu chí XKLĐ; đồng thời phải có nhận thức đúng đắn trong quá trình làm việc, về nước đúng thời hạn ghi trong hợp đồng, nhằm tạo cơ hội cho bản thân có thể được gia hạn hợp đồng và tạo cơ hội việc làm cho những LĐ khác.  

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.