Thư viện xanh trên vùng cao

02:09, 21/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng bóng mát của những tán cây xanh ở sân trường, Trường Tiểu học Long Sơn (Minh Long) đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh” đầy tiện lợi, thú vị để thu hút học sinh đến với sách. Cứ mỗi giờ ra chơi, các em lại tập trung ở thư viện xanh để đọc sách, báo.

Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vừa vang lên, các em học sinh liền ùa đến từng góc bàn, ghế dưới những tán cây xanh để lựa chọn cho mình những cuốn sách, truyện yêu thích. Những cuốn sách, truyện được xếp thành chồng cao trong chiếc trụ giữa bàn đá. Sau khi lựa được cuốn sách mình yêu thích, các em sẽ chọn vị trí ngồi ở những chiếc ghế đá mà nhà trường đã sắp xếp thành hình tròn. Dù đã có những tán cây phủ bóng mát, nhưng nhà trường cũng làm những chiếc ô lớn bên trên để che nắng, mưa cho học sinh, bởi thế nên dù trời nắng gắt hay mưa, đều không ảnh hưởng đến việc đọc sách của các em.
 

 

Mô hình thư viện xanh của Trường Tiểu học xã Long Sơn, huyện Minh Long.
Mô hình thư viện xanh của Trường Tiểu học xã Long Sơn, huyện Minh Long.

Không chỉ những đầu sách về học tập, hiểu được sở thích, nhu cầu đọc, giải trí của các em, cán bộ thư viện nhà trường cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung các đầu sách, truyện, báo có nội dung gần gũi với nhi đồng, dạy về kỹ năng sống...
 
“Trường Tiểu học Long Sơn là điểm sáng của ngành giáo dục Minh Long trong việc khơi gợi niềm đam mê đọc sách và xây dựng văn hóa đọc trong học sinh. Qua đó góp phần xây dựng môi trường học tập “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao”.
Phó Trưởng Phòng GD&ĐT  huyện Minh Long VÕ VĂN VINH

Cầm trên tay cuốn truyện đạo đức xưa và nay, em Đinh Quang Liêm, học sinh lớp 4B phấn khởi, nói: Gia đình em không có điều kiện để mua sách, truyện để đọc, nên nhờ thư viện của trường, em mới đọc được nhiều cuốn sách, truyện hay và bổ ích như thế.

Ngày trước, chúng em phải lên thư viện của trường để mượn sách, chờ đến lượt mượn sách khá lâu, nhưng mấy năm nay chúng em được đọc ngay ở sân trường. Cứ theo lịch sắp xếp đọc sách của trường, đến lớp nào thì chúng em lại tập trung ra từng góc thư viện xanh để đọc, vừa thoáng mát tiện lợi.

Được biết, từ năm 2015, Trường Tiểu học Long Sơn bắt đầu triển khai, thực hiện mô hình “Thư viện xanh” với điểm trường chính được lắp đặt ở hai góc thư viện gồm có trụ, ô che, bàn và ghế đá, còn với 5 điểm lẻ thì đã xây dựng được 1 thư viện xanh. Ngoài những đầu sách được cấp, mạnh thường quân tài trợ và các em học sinh đóng góp, thì cứ mỗi quý, trường trích kinh phí 5 triệu đồng để bổ sung thêm đầu sách, báo thiếu nhi.

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn Nguyễn Diên Vị, cho biết: Trường có 446 em, trong đó điểm trường chính có 328 em (học sinh người dân tộc thiểu số chiếm hơn 85%). Đa số đời sống kinh tế gia đình các em  còn rất thiếu thốn, nên việc được gia đình mua sách, truyện để đọc thêm rất hiếm hoi. Hiểu được điều đó, nhà trường đã bàn bạc và triển khai mô hình “Thư viện xanh” để giúp các em được tiếp cận nhiều hơn với sách, xây dựng văn hóa đọc cho thế hệ trẻ. Qua 2 năm triển khai, thư viện đã thu hút rất nhiều học sinh đến đọc, góp phần quan trọng trong việc trau dồi khả năng đọc, hiểu tiếng Việt của các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.
                 

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.