Hướng nghiệp cho học sinh THPT: Chưa mang lại hiệu quả

10:09, 24/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bước vào năm học mới, các trường THPT đã bắt đầu tổ chức dạy hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ (HĐNG) cho học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc triển khai hoạt động này của một số trường còn bất cập.
        

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động thiết thực...

Bước sang tuần thứ hai của học kỳ I, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các tiết hướng nghiệp, HĐNG cho học sinh. Đặc biệt, các hoạt động này rất ý nghĩa với các em khối 12. Theo đó, các chủ đề của 12 tháng (từ tháng 9 – tháng 8 năm sau) được tổ chức tách biệt với các tiết học văn hóa. Nhìn chung, hoạt động này chủ yếu truyền tải những kiến thức xã hội, xoay quanh thảo luận các vấn đề chọn ngành, chọn trường và những định hướng sau khi tốt nghiệp THPT. Các hoạt động hướng nghiệp đều thực hiện bắt buộc, đúng và đủ theo yêu cầu, phù hợp với điều kiện năng lực của học sinh và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, cả nước. Mỗi hoạt động sẽ được tổ chức dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm.

Ngoài những tiết học văn hóa, các em học sinh cần được định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Ngoài những tiết học văn hóa, các em học sinh cần được định hướng nghề nghiệp trong tương lai.


Theo đó, từ tổ chức hoạt động đến đặt vấn đề, giải quyết vấn đề đều do học sinh chủ động thảo luận, tìm hiểu và đưa các câu hỏi để giáo viên trả lời, hướng dẫn. Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Nguyễn Thái Quảng nhận định: “Hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ là những hoạt động rất ý nghĩa. Mục đích của các hoạt động này là phân luồng học sinh và phân luồng định hướng chọn trường, chọn ngành sau khi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, nhiều học sinh quan tâm và tham gia trao đổi, thảo luận”.

...nhưng chưa hiệu quả

Ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh, giáo viên hướng dẫn các hoạt động hướng nghiệp, HĐNG đều là “tay ngang”. Do đó, họ hiểu biết không sâu, không nhiều về đặc điểm và yêu cầu của các ngành nghề, cũng như định hướng phát triển và nhu cầu sử dụng lao động trong nước, ở địa phương của các nghề đó, cùng với kỹ năng tư vấn chọn nghề cho học sinh.

Mặt khác, do nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa đầy đủ, nên một số trường THPT không thành lập ban hướng nghiệp; nhiều trường “quên” ý nghĩa của hoạt động này. Bởi lẽ, hướng nghiệp không có trong kế hoạch chỉ đạo chuyên môn của trường. Có trường giáo viên dạy hướng nghiệp sinh hoạt với tổ văn phòng, không có giáo án cũng như hồ sơ, sổ sách như các môn học khác và cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa bao giờ kiểm tra chuyên môn hướng nghiệp. Vì vậy, hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT hiện nay chủ yếu dừng lại ở việc định hướng học sinh chọn trường cao đẳng, đại học phù hợp với học lực của từng em, chưa căn cứ vào năng lực bản thân, nhu cầu xã hội.

Hiện nay hầu hết các trường THPT chỉ lưu tâm đến chủ đề hướng dẫn học sinh làm hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Còn những buổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức qua loa, chiếu lệ gần kỳ thi THPT quốc gia, nên học sinh vẫn còn lúng túng trong việc chọn trường, chọn nghề.

Những vấn đề đặt ra

Để hoạt động hướng nghiệp, HĐNG ở trường THPT trở nên thiết thực, hiệu quả thì một số chủ đề trong chương trình cần chuyển sang dạy ở HĐNG lên lớp, do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận thực hiện theo từng chủ đề. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để học sinh gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp, bộ phận tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng hoặc tham dự chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp, để nghe giới thiệu, trao đổi... sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Em Lê Văn Truyền, học sinh lớp 12A9 - Trường THPT Số 2 Tư Nghĩa chia sẻ: “Thường thì thầy cô của trường sẽ điều hành các hoạt động này và học sinh tự thảo luận và trao đổi chứ rất ít khi được nói chuyện với các chuyên gia. Do đó, các hoạt động này không tạo nhiều hứng thú”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Số 2 Tư Nghĩa Nguyễn Văn Thị cho hay: "Các giờ hoạt động hướng nghiệp, HĐNG được các thầy cô trong ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm trực tiếp hướng dẫn, chứ chưa có cán bộ chuyên môn thực hiện. Hằng năm vào tháng 3, trường có tổ chức hoạt động hướng dẫn học sinh làm hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và thỉnh thoảng vẫn mời các cựu học sinh về tư vấn, truyền đạt việc chọn trường, chọn ngành cho các em. Vì nhiều yếu tố khách quan, nên các hoạt động hướng nghiệp, HĐNG vẫn chưa thật sự hiệu quả, khiến việc định hướng nghề nghiệp của các em còn nhiều hạn chế".

Rõ ràng, nếu được thực hiện bài bản mục tiêu của hoạt động hướng nghiệp, HĐNG lên lớp cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh cuối cấp, thì việc định hướng sau THPT sẽ rõ ràng và học sinh sẽ lựa chọn được nghề phù hợp, để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục học trường nghề hay các trường đại học, cao đẳng.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ giới Trần Tiến: “Nhà trường và phụ huynh hầu như không định hướng việc làm”

Hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn con mình vào các trường đại học, cao đẳng mà không biết năng lực thật sự của con mình. Việc “ép” các em học các trường không hợp với năng lực sẽ không định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.
 
Mặt khác, khi tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, HĐNG các trường THPT đều phân luồng, hướng dẫn các em thi vào đại học, cao đẳng, chứ không chỉ ra hướng việc làm tại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp ở địa phương...

Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Đinh Duy Quang:  “Cần quản lý chặt chẽ hoạt động hướng nghiệp, HĐNG đối với các trường”

Sở GD&ĐT chỉ đạo cho các trường, quản lý chặt chẽ và thực hiện có hiệu quả về hướng nghiệp, HĐNG cho học sinh. Hiệu trưởng các trường THPT phải thực hiện đầy đủ các hoạt động này. Đối với những cán bộ làm công tác hướng nghiệp của các trường phải được đào tạo chuyên nghiệp, nắm các kỹ năng tư vấn, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, để định hướng cho các em.
 
Trong việc tổ chức các hoạt động, đơn vị nào gặp khó khăn, vướng mắc cần cử cán bộ, giáo viên tham gia mô hình của các đơn vị có kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động hướng nghiệp, HĐNG.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành Lê Văn Triều: “Các hoạt động hướng nghiệp, HĐNG tổ chức chưa thật sự hiệu quả”

Các hoạt động này chưa thật sự hiệu quả do những nguyên nhân như giáo viên tổ chức chương trình chưa có năng khiếu, chưa thu hút học sinh tham gia; các em học sinh xem hoạt động này là học theo thủ tục, “học cho có”, nên chưa tự giác làm chủ và phát huy hết khả năng của mình.
 
Ngoài ra, điều kiện của một số trường còn hạn chế, nên để tổ chức các hoạt động này khó khăn và kém hiệu quả... Vì vậy, các hoạt động này trở thành “dạy cho có”, học theo “thủ tục”, chứ chưa mang lại hiệu quả.

Em Cao Thị Ngọc Minh, lớp 12C10 - Trường THPT Trần Quốc Tuấn: "Cần định hướng, phân luồng cho học sinh chọn nghề nghiệp".
 
Ngay từ năm lớp 10 chúng em đã được học chương trình hướng nghiệp, HĐNG. Đây là chương trình rất bổ ích giúp cho chúng em chọn môn học hợp lý và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động này là nơi để chúng em thể hiện bản thân và đưa ra những quan điểm để cùng thảo luận, giải quyết.
 
Đ.D (thực hiện)

 



 


.