Không từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học

08:08, 18/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, nụ cười chưa kịp nở thì những đắn đo, trăn trở đã ập đến. Đó là nỗi lòng của những tân sinh viên đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực học tốt, trúng tuyển vào đại học. Giấc mơ đến giảng đường đại học, dù rất gần, nhưng lại đầy xa xôi...

“Mẹ lấy tiền đâu nuôi em học đại học?”

Căn nhà nhỏ là nơi ở của mẹ con em Nguyễn Thị Mỹ Dung, ngụ thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành). Ban trưa, trời nắng chang chang, bà Ngô Thị Phương, mẹ của Dung đi làm gạch vẫn chưa về. Nhiều năm qua, dẫu sức yếu, thường xuyên đau ốm, mẹ Dung vẫn một mình vừa làm gạch, làm ruộng, nuôi heo để nuôi các con.

Thương mẹ vất vả đi làm gạch để có tiền nuôi con, ngoài giờ học Dung phụ giúp mẹ việc nhà như nuôi heo, bán khoai...
Thương mẹ vất vả đi làm gạch để có tiền nuôi con, ngoài giờ học Dung phụ giúp mẹ việc nhà như nuôi heo, bán khoai...


Ký ức về những ngày tháng khó khăn, mẹ phải dẫn các con về gia đình ngoại để tá túc, cuộc sống không có cha bảo ban, yêu thương đã khiến Dung chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ. Thương mẹ nhọc nhằn, Dung luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mẹ. Nhiều lúc không đủ chi phí học tập, cô học trò nhỏ lại cọc cạch cưỡi xe đạp đi làm thêm tại lò gạch với tiền công 80.000 đồng/ngày. Thế nhưng, suốt các bậc học, Dung luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, huyện. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Dung là thủ khoa Trường THPT số 1 Nghĩa Hành với số điểm 28,05 khối B (Toán 8,8 điểm, Hóa 9,75 điểm, Sinh 9,5 điểm) và trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.

Dường như cuộc sống khó khăn đã tôi luyện Dung đầy cứng cỏi, nhưng sâu thẳm trong đôi mắt của em vẫn luôn chất chứa nhiều nỗi niềm. Dung ước mơ trở thành dược sĩ giỏi giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội và sau này có thể giúp đỡ cho những học sinh, sinh viên khó khăn như Dung.

“Qua từng ngày thì ước mơ ấy được nuôi dưỡng và ngày càng lớn lên. Ước mơ đó là động lực để em ngày càng cố gắng hơn nữa, trau dồi những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho bản thân”, Dung đã viết như thế trong lá thư kể về mình.

Thế nhưng, ước mơ rất đẹp của Dung lại chông chênh khi những lo toan của cuộc sống lại đè nặng trên vai. Dung cho biết, anh trai em từng phải nghỉ học, đi làm công nhân. Em trai kế của em có nguy cơ phải nghỉ học. Mẹ lấy tiền đâu vừa nuôi em học đại học, vừa nuôi hai em nhỏ nữa cũng học trung học? Việc học đại học nằm ngoài tầm với của em...

“Nhiều lúc em cảm thấy mẹ như muốn gục ngã, nhưng vẫn gắng sức với hy vọng lo con cái học hành đến nơi đến chốn, để có cuộc sống tốt hơn. Em vẫn chọn tiếp tục theo đuổi giảng đường đại học, vì đó là ước mơ, là niềm vui to lớn của mẹ”, Dung nói.
 

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Châu Văn Lương cho biết, nhà trường đặc biệt quan tâm đến những tân sinh viên nhà nghèo, hiếu học. Mỗi năm, ngoài học bổng khuyến khích học tập của nhà trường, Trường Đại học Phạm Văn Đồng còn kết nối với các nhà tài trợ tặng gần 100 suất học bổng cho sinh viên có kết quả học tập tốt, trong đó ưu tiên đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Trong quá trình học, khi cần giúp đỡ, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của trường còn tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp cho các em.

Gập ghềnh đường đến trường

“Mọi thứ đối với em như một giấc mơ”, Nguyễn Thị Liễu ở thôn Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức) thốt lên như vậy khi kể về quãng đường đi học đầy gập ghềnh đối với mình. Không là giấc mơ sao được, bởi việc học của Liễu tưởng chừng như đứt gánh giữa đường vì mẹ mắc bệnh hiểm nghèo qua đời lúc Liễu đang học lớp 9. Còn bây giờ, cô bé tội nghiệp mồ côi mẹ, không biết mặt cha sắp trở thành tân sinh viên Đại học Nông Lâm (TP.Hồ Chí Minh).

Lúc còn sống, vì cuộc sống khó khăn, mẹ Liễu đi làm phụ hồ khắp các công trình để kiếm tiền nuôi con. Mẹ Liễu tần tảo mưu sinh với công việc nặng nhọc này từ khi tiền công phụ hồ mỗi ngày chỉ 20 nghìn đồng, rồi tăng lên 50 nghìn, đến 100.000 nghìn đồng. Mẹ đi làm đằng đẵng chỉ dám về thăm con vào dịp Tết, nên từ nhỏ Liễu đã có ý thức tự lập, chăm lo việc học.

Năm 2013, khi những đợt lũ lớn ập đến, mẹ Liễu đang phụ hồ ở Ba Tơ, vội quay trở về nhà với con thì căn bệnh hiểm nghèo phát nặng. Mẹ mất, ngoại già yếu, Liễu như chới với giữa dòng nước ngược. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Liễu nghĩ chắc phải dừng việc học, nhưng rồi cô học trò đầy nghị lực đã vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường.

Trung bình mỗi tháng, bà ngoại và Liễu nhận trợ cấp khoảng 950 nghìn đồng. Số tiền chỉ đủ trang trải ăn uống qua ngày. Tài sản có giá trị duy nhất của hai bà cháu, đó chính là con heo nái do mẹ Liễu để lại. Nhà nhỏ và chật hẹp, nên Liễu nuôi “ké” trong chuồng heo của nhà người thân bên cạnh.

Mỗi năm, heo đẻ hai lứa, nuôi đàn heo con khoảng một tháng thì bán. Liễu chắt chiu số tiền đó để dành cho hai bà cháu. Sắp nhập học, Liễu băn khoăn không biết nên bán heo đi hay nhờ cậu mợ nuôi giúp, vì bà ngoại già yếu rồi không thể nuôi được.

Ngồi bên cạnh cháu, bà Nguyễn Thị Hạnh (88 tuổi) thỉnh thoảng quay mặt đi, để giấu những tiếng thở dài. Thế nhưng, không thể kìm nén nỗi lòng lo toan, bà Hạnh bật khóc: “Thương cháu mồ côi, nếu mẹ nó còn sống thì cũng đỡ lo lắng phần nào. Dù nghèo khó, bà cũng ráng động viên cháu vì tương lai còn dài lắm”, khiến Liễu cũng rớm nước mắt, hai mắt đỏ hoe.

Liễu nói với bà: “Con cố gắng vừa học vừa kiếm việc làm thêm, nên ngoại đừng lo. Vào trong đó, con xin ở ký túc xá miễn phí. Ngoại đừng khóc nữa, con chỉ sợ ngoại ở nhà một mình buồn thôi”. Hành trang Liễu dự định mang theo nhập học chỉ là vài bộ quần áo. Số tiền học phí và những khoản cần phải lo phía trước Liễu vẫn chưa dám nghĩ đến...

Tiếp sức giấc mơ

Những trăn trở của Liễu và Dung cũng là nỗi lòng của nhiều tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học khác. Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, đến thời điểm hiện tại, Tỉnh đoàn đã nhận gần 100 hồ sơ xin học bổng “Tiếp sức đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ.

Trong đó có nhiều trường hợp rất đáng nể phục, vì các em đã vượt qua hoàn cảnh hết sức khó khăn để vươn lên trong học tập. Dự kiến xét chọn 70 trường hợp để trao học bổng. Những năm học trước, nhiều tân sinh viên Quảng Ngãi nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” kịp thời đã động viên các em nỗ lực theo đuổi con đường học tập.

Ngoài khoản trợ cấp, Liễu còn biết nuôi heo để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và học tập.
Ngoài khoản trợ cấp, Liễu còn biết nuôi heo để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và học tập.


Nhiều năm qua, bà Lê Thị Minh Chiểu (SN 1960) ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) âm thầm tiếp sức nhiều hoàn cảnh khó khăn. Bà Chiểu từng là giáo viên, nên nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những câu chuyện về các em đã để lại trong bà Chiểu những ấn tượng, nỗi lòng xót xa mãi. Để rồi sau này kinh tế gia đình vững vàng hơn, với tâm niệm “cảm ơn cuộc đời”, bà Chiểu luôn sẵn lòng giúp đỡ các em khó khăn, với mong muốn các em có cuộc sống tốt hơn.

Công việc kinh doanh bận rộn, để tham gia những đợt tặng quà tại các vùng nông thôn, miền núi, bà Chiểu không ngại thức dậy từ lúc 4 - 5 giờ sáng kịp vượt đường xa đến với những trường hợp cần giúp đỡ. Không chỉ kết nối với những người bạn để chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh, bà Chiểu còn trực tiếp hỗ trợ cho các em.

Bốn năm vừa rồi, bà Chiểu chẳng thể nào nhớ hết những trường hợp mình đã giúp đỡ. Chỉ tính riêng trong đợt chuẩn bị nhập học đại học lần này, bà Chiểu và những người bạn đã kịp thời tặng học bổng cho 56 em, mỗi suất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, giúp các em có tiền mua vé xe và một số vật dụng cần thiết khác. Bà Chiểu còn động viên tinh thần tân sinh viên, dặn dò đủ điều khi các em chuẩn bị đi học xa nhà. Rồi bà Chiểu còn nhắn nhủ: “Đi học xa nhà, có khó khăn gì cứ gọi cho cô”.               
 

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.