Vẫn còn giáo viên lén lút dạy thêm

09:07, 31/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đã được chấn chỉnh, tuy nhiên, vẫn còn không ít giáo viên dạy thêm một cách lén lút. Đó là thực trạng đáng buồn được nêu ra tại hội nghị bàn biện pháp, giải pháp quản lý công tác dạy thêm, học thêm tại TP.Quảng Ngãi được tổ chức vào sáng 28.7.

TIN LIÊN QUAN

Dạy thêm, học thêm vụng trộm
 
Ngày 3.4.2017, Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi đã ra thông báo số 24 về việc giáo viên TH, THCS của TP. Quảng Ngãi không được dạy thêm ở nhà, ngoài nhà trường. Ngay sau đó, TP. Quảng Ngãi đã tổ chức ra quân đồng loạt kiểm tra đột xuất 336 lượt tại các điểm dạy thêm, học thêm, nhắc nhở và đã cấp phép dạy thêm trong nhà trường cho 20/23 trường THCS trên địa bàn.
 
Động thái “mạnh tay” chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vốn dĩ gây bức xúc dư luận vì một số giáo viên lợi dụng việc dạy thêm, học thêm để chèn ép học sinh trong một thời gian dài là cần thiết và cấp bách, được sự đồng tình của hầu hết các bậc phụ huynh. 
 
Tuy nhiên, đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong thực tế thì ở bậc TH, nhu cầu phụ huynh muốn được gửi con cho cô chăm sóc là rất lớn, bởi cha mẹ các em thường bận rộn tối ngày không ai đưa đón, chăm sóc trẻ. 
 
Cũng chỉ vì nhu cầu học thêm của một bộ phận học sinh là có thật, trong khi đó giáo viên không muốn nguồn thu nhập bị cắt giảm nên một số giáo viên vẫn lén lút dạy thêm khi chưa được cấp phép theo quy định.
 
 

Nhiều ý kiến cho rằng nên tạo hành lang cho các giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, đủ điều kiện cơ sở vật chất dạy thêm ngoài nhà trường.

 
Giáo viên phải nghĩ ra nhiều “kế” để đối phó với đoàn kiểm tra như không cho học sinh đi xe đạp đến nhà, mang dép vào trong nhà, đóng cửa im ỉm. Nhiều giáo viên tăng cường "cảnh giác", mỗi ngày dẫn học sinh đến một địa điểm khác nhau để dạy, dặn học trò nếu có ai hỏi có đi học thêm không thì nói không.
 
“Học sinh tự nguyện học, giáo viên dạy bằng kiến thức của mình là việc làm rất chính đáng, nhưng vẫn phải lén lút, vụng trộm rất tội nghiệp”- thầy Đặng Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng lên tiếng.
 
Bản chất của việc dạy thêm không xấu. Cung cầu là quy luật tất yếu của xã hội, bất kể ai đều có quyền kiếm tiền bằng trí tuệ, sức lao động của mình. Việc dạy thêm, học thêm lén lút, vụng trộm vô hình chung đẩy cả nhà giáo và học sinh vào sự gian dối. Đạo đức nghề nghiệp, sự thiêng liêng của một nghề cao quý bị ảnh hưởng. Một giáo viên ở xã Nghĩa Phú bày tỏ.
 
Cần giải pháp thấu đáo
 
Việc học thêm là để bổ sung, mở rộng, nâng cao kiến thức, phát huy tự học của học sinh. Vì thế, không đơn giản chỉ ban ra một lệnh cấm cứng nhắc.
 
Để hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu của phụ phuynh, học sinh, chấm dứt những tiêu cực, tại hội nghị, đa số ý kiến cho rằng, Phòng GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các trường và địa phương trong công tác quản lý, có biện pháp, giải pháp giải quyết thấu tình hợp lý.
 
 

Nên cấm giáo viên dạy thêm cho những học sinh giảng dạy trực tiếp trên lớp. Ảnh: Minh họa.

 
Thầy Đặng Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng cho rằng, cần tạo hành lang cho những giáo viên có đủ năng lực, có chuyên môn tốt, cơ sở vật chất đảm bảo dạy thêm tại nhà. Thủ tục cấp phép cũng nên sớm hơn, kiểm tra biên lai thu học phí, thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên. 
 
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thu Thủy- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú khẳng định: Việc cấm dạy thêm là không nên. Để giải quyết được tình trạng chèn ép học sinh thì phải cấm giáo viên không được dạy thêm cho những học sinh giảng dạy trực tiếp trên lớp.
 
Tăng cường kiểm tra chung 1 tiết trên lớp để giáo viên có trách nhiệm đảm bảo chất lượng giờ dạy trên lớp, cũng tạo điều kiện cho giáo viên kiếm thêm thu nhập chính đáng từ việc dạy thêm ở nhà.
 
Cũng theo lãnh đạo của nhiều trường thì việc bổ sung cơ sở vật chất cho các trường để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, quy định mức thu đại trà để tránh trường hợp, mỗi giáo viên thu mỗi mức phí, giáo viên ở các trường “hot” thu cao hơn nhiều so với giáo viên ở các trường khác là cần thiết. 
 
Và việc chấn chỉnh học thêm, dạy thêm rất cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh để tránh sự so bì giữa các giáo viên dạy ở các địa phương khác nhau. 
 
Ông Nguyễn Văn Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi cho rằng, qua hội nghị, Phòng sẽ tiếp thu các kiến nghị, giải pháp để tham mưu cho UBND TP.Quảng Ngãi có văn bản tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm vấn đề này, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm đạo đức nghề giáo, nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.