Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên: Quá chênh lệch, vì sao?

08:07, 15/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất. Song, điểm chuẩn giữa các trường quá chênh lệch so với những năm trước.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập vừa qua là thước đo chất lượng đào tạo bậc THCS ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, các trường cần có giải pháp, để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cho ngành giáo dục.

Khoảng cách 22 điểm

Theo bảng công bố điểm chuẩn của các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh, không khó để thấy có sự chênh lệch rất lớn về điểm chuẩn. Đã có một số trường phải nhận cả những học sinh (HS) chỉ có 7,4 điểm cho 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, Anh văn; trong đó các môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 và cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích). Ở các trường THPT có bề dày truyền thống trên địa bàn tỉnh có điểm chuẩn khá cao như: THPT Phạm Văn Đồng (20 điểm), Mộ Đức 2 (28), Tư Nghĩa 1 (22,1), Võ Nguyên Giáp (23,1), Bình Sơn (25,4). Đặc biệt, trong 2 năm qua, Trường THPT số 1 Đức Phổ luôn có điểm chuẩn tuyển sinh vào 10 ở tốp đầu. Năm học 2017-2018, trường trở thành “quán quân”, khi chỉ những thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên mới đủ điều kiện bước vào trường.  

Trong những năm gần đây chất lượng giáo dục ở Đức Phổ đã có những bước tiến đáng kể. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm (Đức Phổ) trong giờ học.                                                         Ảnh: Tr. Phương
Trong những năm gần đây chất lượng giáo dục ở Đức Phổ đã có những bước tiến đáng kể. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm (Đức Phổ) trong giờ học. Ảnh: Tr. Phương


Nếu như các trường trong tốp đầu vui mừng vì điểm chuẩn cao, thì những trường nhóm dưới lại lo âu trước điểm chuẩn (nguyện vọng 1 - NV1) quá thấp, như: Thu Xà (7,8 điểm), Sơn Mỹ (7,4), Tư Nghĩa 2 (9,9), Lê Quý Đôn (10), Nghĩa Hành 2 (10,3)... Với các mức điểm chuẩn này, HS chỉ cần mỗi bài thi có điểm từ 1,5 đến hơn 2 là có thể vào lớp 10. Không chỉ điểm chuẩn bị chênh lệch lớn giữa các trường ở các địa phương khác nhau, mà nhiều trường trên cùng huyện, thành phố điểm chuẩn cũng có sự khác xa. Chẳng hạn, Mộ Đức 2 (28 điểm) so với Nguyễn Công Trứ (NV1 là 16,3, NV2 là 21), Võ Nguyên Giáp (23,1) bên cạnh là Huỳnh Thúc Kháng (NV1 là 12,6, NV2 là 15)...

Khi dùng thước đo chung là kỳ thi tuyển sinh, với 3 môn Toán, Ngữ văn và Anh văn thì sự chênh lệch về điểm chuẩn giữa các trường ở địa phương khác nhau cũng là bình thường. Tuy nhiên, độ chênh lệch quá lớn như trên là điều phải suy nghĩ. Những con số thống kê cho thấy, có sự phân hóa rất rõ ràng về chất lượng giữa các vùng, miền. Điều này đặt ra cho ngành GD&ĐT một nhiệm vụ rất khó khăn.
 

"Điểm trúng tuyển vào các trường có sự chênh lệch khá lớn là điều tất yếu. Điều đó sẽ khuyến khích học sinh nỗ lực, để có thể vào học tại các trường tốp trên. Riêng những em học yếu cũng có thể biết được năng lực thực tế của mình, để có hướng điều chỉnh hợp lý. Những trường có chất lượng đầu vào thấp phải có giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng, nhằm khẳng định vị trí của mình".
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT NGUYỄN MINH TRÍ

Bài toán không dễ tìm lời giải

Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2017-2018 rõ ràng đã có sự chênh lệch rất lớn. Điều này khẳng định, chất lượng đầu vào của một số trường quá thấp đang là nỗi lo chung của nhiều cấp, nhiều ngành. Thực trạng đó rơi vào các trường ở các địa bàn khó khăn, vùng biển. Điều đáng nói nữa là, có những trường, dù chỉ tiêu tuyển sinh khá nhiều, nhưng số lượng hồ sơ nộp vào không đủ, như Trường THPT Sơn Mỹ có 420 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được hơn 390 em, dù NV2 cao hơn NV1 chưa đến 2,5 điểm (tức khoảng 10 điểm).

Hiệu trưởng Trường THCS Võ Bẩm (Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) Đinh Tấn Giác, cho biết: Trường có 138 em HS lớp 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó, phần nhiều là con em ngư dân. Trên thực tế, “giữ” chân các em đến trường đã là điều tốt, bởi tâm lý lớn lên đi biển vẫn còn khá phổ biến với người dân địa phương.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Ngô Quang Vinh chia sẻ: Trường nằm sát Trường THPT Bình Sơn, nhưng có sự chênh lệch rất lớn ở đầu vào. Nhiều bậc phụ huynh và HS e ngại cho con học tại trường, vì cho rằng đó là trường tốp dưới. Mặc dù trong những năm qua, nhà trường cũng đã có những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, nhưng do đầu vào quá thấp, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả đào tạo của trường.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trong 24 trường THPT công lập ở các huyện đồng bằng (trừ Trường THPT chuyên Lê Khiết và THPT Dân tộc nội trú), hầu hết điểm trúng tuyển đều dưới 20. Có nghĩa là, các trường này sẽ nhận HS có điểm thi trung bình chưa đến 5 điểm mỗi môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục của bậc THPT và không ít người đặt câu hỏi: Tại sao không phân luồng sau THCS, để những HS này học nghề, học trung cấp mà lại tăng quy mô THPT, để phải chấp nhận “đầu vào” quá thấp?

Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Địch cho rằng: Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 của nhiều trường công lập thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ tốt nghiệp THPT sau này. Vì vậy, nhiều trường có chất lượng đầu vào thấp sẽ càng khó khăn hơn trong việc nâng cao chất lượng. Đó là chưa kể nỗi lo HS bỏ học, vì không thể tiếp thu và theo kịp chương trình THPT, do các em đã “mất gốc” từ bậc THCS.

NG.TRIỀU - TR.PHƯƠNG

 

Phải chỉ đạo chặt chẽ công tác chuyên môn

 

Đó là khẳng định của Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Bảy khi đánh giá về những bước tiến đáng mừng trong kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn huyện.  

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, từ năm 2012, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường ưu tiên trong việc phân công chuyên môn cho các lớp đầu cấp và cuối cấp. Giáo viên giảng dạy ở những lớp này phải thật sự là những người có chuyên môn, năng lực và tâm huyết.

PV: Ông có thể đánh giá những kết quả đạt được trong  kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập của địa phương những năm gần đây?

Ông NGUYỄN VĂN BẢY: Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của địa phương đã được nâng lên đáng kể, thể hiện qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điểm trúng tuyển vào Trường THPT số 1 Đức Phổ là một minh chứng. Năm học 2011-2012, trường đứng vị trí thứ 5 của toàn tỉnh, thì đến năm học 2014-2015 trường dẫn đầu toàn tỉnh. Đến năm học 2016-2017, trường đứng nhì và mới đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018, Trường THPT số 1 Đức Phổ vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh, với điểm đầu vào là 29. Các trường tốp dưới của địa phương cũng có số điểm xét tuyển tương đối, thấp nhất là THPT số 2 Đức Phổ cũng xấp xỉ 15 điểm.

PV: Để đạt được những kết quả đó, ngành đã có những giải pháp gì?

Ông NGUYỄN VĂN BẢY: Trước tiên phải kể đến sự chỉ đạo chặt chẽ của ngành về chuyên môn. Các trường thực hiện việc chọn lọc giáo viên giỏi, để giảng dạy ở những lớp cuối cấp. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS). Đặc biệt, trong việc chấm và trả bài luôn chú trọng đến việc phân tích, nhận xét, để HS khắc phục những yếu kém; kịp thời bồi dưỡng những lỗ hổng kiến thức.

Ngoài việc tăng cường dạy học 2 buổi/ngày để phụ đạo HS yếu kém, nâng cao cho HS giỏi, ngành cũng chỉ đạo các trường hướng dẫn cho các em cách tự học, tự nghiên cứu bài tại nhà; khuyến khích các em học trên mạng bằng cách giới thiệu và hướng dẫn cho phụ huynh và HS về những trang mạng phù hợp. Học trên mạng sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian và chọn thầy giỏi để học.

PV: Ngành sẽ làm gì để tiếp tục duy trì thành tích này?

Ông NGUYỄN VĂN BẢY: Phòng tham mưu cho UBND huyện sử dụng kinh phí của ngành, để tổ chức phụ đạo HS yếu kém trong dịp hè. Bắt đầu từ 1.7, các trường đã tổ chức phụ đạo cho HS yếu kém. Trong năm học, nếu còn nguồn kinh phí, ngành cho các trường tiếp tục phụ đạo HS yếu kém, nhằm khắc phục tình trạng HS yếu về đọc, viết, tính toán... Đồng thời, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện hợp đồng tuyển dụng 8 giáo viên là sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại giỏi ở các trường có "thương hiệu" về giảng dạy, tạo nguồn giáo viên lâu dài cho nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục .

TR. PHƯƠNG- NG.TRIỀU
(thực hiện)

 


 


.