Đại học và trường nghề

02:07, 19/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, kết quả điểm thi là khá cao. Đây là kỳ thi “hai trong một”, lấy kết quả điểm thi để xét tuyển đại học (ĐH), nên tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH trong nước là rất khả quan.

Những trường ĐH “tốp trên” sẽ xét tuyển những thí sinh đạt điểm thi cao, còn những trường “vừa vừa” cũng sẽ xét điểm thi “vừa vừa”, còn các trường ĐH “tốp dưới” thì sẽ xét điểm thi khá rộng rãi, rất ưu ái. Một khi hệ thống trường dạy nghề đã thuộc về sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, thì Bộ GD&ĐT sẽ rất ưu ái cho các trường ĐH, nhất là những trường đang “khát” thí sinh. Một kỳ thi khá nhẹ nhàng và mang lại rất nhiều hy vọng cho các trường ĐH “tốp dưới”.

Còn các trường dạy nghề thì sao? Chắc chắn, các trường dạy nghề năm nay sẽ rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Dù trường nào cũng có những chế độ chính sách ưu đãi cho thí sinh, nhưng tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các trường dạy nghề là rất thưa thớt.

Có một tâm lý từ lâu nay vẫn ngự trị trong học sinh và cả cha mẹ học sinh: Chỉ muốn học ĐH, không thích học nghề. Dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH không xin được việc làm là rất cao, dù nhiều trường ĐH mà tên tuổi khiến các nhà tuyển dụng... lắc đầu, thì danh tiếng “học đại học” vẫn thu hút học sinh, vẫn làm phụ huynh học sinh tự hào hơn là danh tiếng khi học các trường nghề. Đó là điều giáo dục Việt Nam đang đi ngược với giáo dục thế giới.

Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ học sinh đăng ký vào học các trường cao đẳng (CĐ) cộng đồng (thực chất là các trường dạy  nghề) là rất cao so với học sinh vào các trường ĐH. Bởi, chỉ cần học và tốt nghiệp trường CĐ cộng đồng, học viên dễ dàng xin được việc làm. Còn nếu với những ai có nguyện vọng học lên ĐH, thì sẽ học liên thông trong hai năm nữa (trường CĐ cộng đồng có thời gian học là ba năm).

Đó là một mô hình giáo dục mà các nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng, nó tạo nên một lực lượng lao động hằng năm rất ổn định, nó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động, nó tạo công ăn việc làm cho số đông người học, nó thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường CĐ dạy nghề. Đó là giáo dục thực chất, học để làm việc, chứ không phải để... khoe danh, mà thất nghiệp.

Tôi nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống trường CĐ, biến hệ thống trường này thành hệ thống trường dạy nghề thực chất, thực học và thực hành, bảo đảm đầu ra cho học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Muốn như thế, thì không thể phát triển hệ thống các trường ĐH tràn lan, với chất lượng thấp như hiện nay. Tại sao trường CĐ nào cũng... phấn đấu lên ĐH, trong khi lực lượng giáo viên cơ hữu không đáp ứng được nhu cầu đào tạo? Đã có hiện tượng quá “lệch pha” giữa hệ thống các trường ĐH và các trường CĐ dạy nghề.

Điều đó tạo nên hậu quả, rất thiếu lao động có tay nghề cao và rất thừa những sinh viên tốt nghiệp ĐH không được tuyển dụng, vì không có nghề nghiệp nào cụ thể cả. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, cha ông ta đã nói, và điều đó tới bây giờ vẫn rất đúng. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, thế nhưng nhiều trường ĐH ở ta bây giờ không thể cam kết đào tạo sinh viên tốt nghiệp “nhất nghệ tinh”.

Tôi có chú em đưa con sang học bên Mỹ, nhưng chỉ học CĐ cộng đồng. Bảo đảm sau 3 năm ra trường có việc làm ngay. Nếu sau đó cháu có khả năng và nhu cầu học ĐH, sẽ tính tiếp. Còn nếu không, thì “bệ phóng CĐ cộng đồng” vẫn đủ sức tạo “nhất nghệ tinh” cho cháu, và cháu có việc làm, có thu nhập bảo đảm cho cuộc sống.      

THANH THẢO
 


.