Các trường nghề gặp khó trong tuyển sinh

04:07, 04/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đáp ứng nguồn lao động chất lượng cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo chỉ tiêu được giao, các trường đào tạo nghề trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thí sinh học nghề. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn đang gặp  khó khăn trong công tác tuyển sinh.          

TIN LIÊN QUAN

Nhiều chính sách thu hút  

Có bề dày hoạt động hơn 40 năm, Trường Cao đẳng Nghề cơ giới đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với học viên khi học tại trường. Trưởng Phòng Đào tạo nghề của nhà trường Lê An cho biết: Ưu thế của trường là có đội ngũ thầy, cô giáo dạy nghề lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và đã được đào tạo chuyên sâu nên đảm bảo chất lượng trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng.

Trường tạo điều kiện cho học viên thực tập ở các công ty, doanh nghiệp trong nước để cọ xát thực tế. Bên cạnh đó, trường còn có chính sách miễn 100% học phí đối với đối tượng tốt nghiệp THCS, 70% học phí khi học các ngành nghề đặc thù...

Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao tay nghề cho học viên.
Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao tay nghề cho học viên.


Với Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc thì chú trọng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Hiệu trưởng nhà trường Lê Trữ cho biết, năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển 2.000 thí sinh. Trường được đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5,3 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị, đáp ứng cho 7 ngành nghề mũi nhọn thuộc các hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng mà các doanh nghiệp đang đặt “hàng”, gồm: Ngành cắt gọt kim loại, công nghệ hàn, điện công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm, công nghệ ô tô, kỹ thuật xây dựng. Bên cạnh đó, trường còn chú trọng đến chính sách hỗ trợ người học.

Hình thức xét tuyển đối với bậc cao đẳng thì chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT; đối với bậc trung cấp, sơ cấp thì xét bằng tốt nghiệp THCS trở lên. Trường giảm học phí 100% đối với các ngành nghề cắt gọt kim loại, kỹ thuật xây dựng, công nghệ hàn; đồng thời có ký túc xá đảm bảo chỗ ở cho học viên. 

Em Phạm Đức Tiến, học năm 2 lớp cao đẳng điện công nghiệp, bộc bạch: "Trước tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nên sau khi tốt nghiệp THPT em chọn học ở trường nghề. Đến thời điểm này đã có doanh nghiệp ngỏ ý tuyển dụng nên em rất yên tâm".

Gặp khó trong công tác tuyển sinh

Các trường đào tạo nghề mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ học viên, chú trọng chất lượng đào tạo, nhưng hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Ngay từ đầu năm học, nhiều trường dạy nghề đã lên kế hoạch tuyển sinh, nhưng đến thời điểm này công tác tuyển sinh vẫn không mấy khả quan.

Như Trường Trung cấp Nghề tỉnh, ngay từ đầu năm đã lập đoàn về các trường THCS, THPT tư vấn nghề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, đến nay trường cũng chỉ thu được vài chục hồ sơ đăng ký. Hiệu trưởng nhà trường Võ Đình Tá cho biết: “Số lượng tuyển sinh được ngày càng thấp. Trường đào tạo chỉ ở bậc trung cấp, sơ cấp, nguồn đầu tư thấp, thiết bị lạc hậu, chưa đủ sức cạnh tranh với các trường cao đẳng trong tỉnh".

Trường Cao đẳng Nghề cơ giới cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng đến thời điểm này, trường cũng chỉ tuyển sinh được 150/400 chỉ tiêu trong năm 2017. Trước khó khăn trong công tác tuyển sinh đòi hỏi các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần phải linh hoạt trong công tác đào tạo, bên cạnh việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, cần phải gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.