Cần tuân thủ pháp luật khi làm việc tại Hàn Quốc

05:05, 21/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chất lượng cao được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do một bộ phận lao động hết thời hạn bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác XKLĐ tại thị trường này trong thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN

Trước năm 2012, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) giàu tiềm năng. Mỗi năm, Hàn Quốc tiếp nhận 10.000 - 12.000 lao động, với mức lương hấp dẫn từ 20 -25 triệu đồng/tháng. Đi XKLĐ tại đây được xem như con đường thoát nghèo cho nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng lao động hết thời hạn bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tăng dần mỗi năm đã làm gián đoạn các chương trình XKLĐ sang Hàn Quốc.

Lo lắng lao động cư trú bất hợp pháp

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta có 910 lao động tham gia XKLĐ sang Hàn Quốc, trong đó có 591 lao động đã hết hạn hợp đồng. Trong số này hiện vẫn có khoảng 20% (116 người) đang lao động bất hợp pháp tại nước này. “Giai đoạn 2012 – 2014, tỷ lệ lao động ở lại làm việc bất hợp pháp chiếm đến 45- 48%. Qua công tác vận động, tỷ lệ này đã giảm so với cả nước”,  Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên cho hay.

Những người xuất khẩu lao động đang học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.                                            ẢNH: PV
Những người xuất khẩu lao động đang học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. ẢNH: PV
Anh Lê Đức Toàn, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) có 5 năm làm việc ở Hàn Quốc trở về chia sẻ: “Nếu là lao động có hợp đồng thì được đóng bảo hiểm, được hưởng các chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép đầy đủ. Còn lao động “chui” thì đi ra ngoài rất khó khăn, sơ sẩy là bị cảnh sát bắt. Chủ lao động, ngoài trả lương, không cho mình một quyền ưu tiên nào khác”.

Liên quan tới kỳ thi tiếng Hàn năm nay, ông Võ Duy Yên cho biết, đơn vị là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; cũng là đơn vị duy nhất được chỉ định phối hợp cùng phía Hàn Quốc tổ chức kỳ thi. “Quá trình thi, tuyển chọn đều do phía Hàn Quốc thực hiện, nên việc can thiệp từ phía Việt Nam là không thể. Do nhu cầu đi Hàn Quốc lớn, nhưng số lượng tuyển chọn có hạn; do đó người lao động không nên tin vào cò mồi, môi giới hứa hẹn việc giúp thi đỗ, đi nhanh... dễ bị mất tiền oan”, ông Yên cảnh báo.

Một số người từng có thời gian làm việc tại Hàn Quốc cho biết thêm, theo quy định bắt buộc của nước sở tại, khi người lao động làm việc theo đơn hàng, họ được chủ sử dụng lao động đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cũng như an sinh xã hội.

Tuy nhiên, với người lao động khi bỏ ra ngoài làm việc thì chủ sử dụng lao động không phải đóng các chế độ này, nên các khoản này được chi trả cho người lao động, nghĩa là lương lao động “chui” nhiều hơn lao động chính thức. Tuy nhiên, khi có sự cố tai nạn lao động, những lao động "chui" không được thanh toán các chế độ theo quy định.

Ông Võ Duy Yên cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức của người lao động. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là thiếu ý thức trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc. Tỉnh ta có 300 hồ sơ, trong đó có 200 lao động đã qua đào tạo phải gián đoạn việc XKLĐ sang Hàn Quốc cũng do ảnh hưởng của việc lao động hết thời gian làm việc trốn ở lại bất hợp pháp.

Siết chặt thị trường

Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lượng lao động tiếp nhận mỗi năm cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với giai đoạn trước năm 2012, các thủ tục cũng siết chặt hơn.

Đầu năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên, trong tổng số 109 quận/huyện của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước có lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần phải tham dự và đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và kỳ kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực. Chỉ những người đạt yêu cầu mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Người dự thi phải nằm trong độ tuổi từ 18-39 và chưa từng đi làm tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hoặc đã đi làm việc tại Hàn Quốc, nhưng về nước đúng thời hạn. Ngoài ra, người dự thi phải không thuộc khu vực đang bị tạm dừng tuyển  do có nhiều lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
                           

VŨ YẾN


 


.