Tự hào về ngôi trường Sư phạm Khu V

05:04, 30/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng thầy Tô Uyên Minh- nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp sư phạm miền Trung Trung Bộ (Trường Sư phạm Khu V) giai đoạn 1964-1967 vẫn còn minh mẫn. Một ngày cuối tháng tư, căn nhà nhỏ của ông trở nên ấm cúng hơn khi người học trò cũ Hoàng Nam Chu (nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL) ghé thăm và cùng ôn lại những kỷ niệm về ngôi trường của một thời đạn bom.

Giữa năm 1964, thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu V, Ban Giáo dục Khu V tập trung đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa, đồng thời mở các trường đào tạo giáo viên. Cùng vào thời điểm đó, ở hậu phương lớn, hàng trăm giáo viên rời quê nhà chi viện cho giáo dục miền Nam.

Một thời khói lửa

Thầy Tô Uyên Minh vẫn còn nhớ như in những ngày đầu thành lập trường: “Lúc đó, tôi cùng các đồng nghiệp được phân công lên tận vùng núi Ba Tơ để khảo sát xây dựng trường. Sau khi khảo sát địa điểm và tham khảo ý kiến của người dân địa phương, đoàn đã thống nhất xây dựng trường tại xã Ba Lương (Ba Tơ)”. Xã Ba Lương nằm phía đông nam huyện Ba Tơ, phía bắc là cánh đồng lớn có thể sản xuất hoa màu, phía nam giáp huyện An Lão (Bình Định). Đây còn là vùng rừng già nhiều tầng, núi rừng trùng điệp thích hợp để tránh địch, khi chúng đi càn.

Thầy Tô Uyên Minh (bên trái) hạnh phúc khi gặp lại học trò cũ.
Thầy Tô Uyên Minh (bên trái) hạnh phúc khi gặp lại học trò cũ.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thầy cô giáo cùng giáo sinh và công nhân viên nhà trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để làm nhiệm vụ trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nêu cao những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục. Trong những ngày đầu, thầy cô giáo và giáo sinh phải băng rừng lội suối chung tay xây dựng trường. Ngôi trường nhanh chóng được hoàn thiện với mái lá đơn sơ cùng các khung nhà để mắc võng.

Thầy và trò cùng nhau đào hầm trú ẩn, đào lò Hoàng Cầm giấu lửa, giấu khói. Khóa học đầu tiên được khai giảng vào tháng 9.1964. Giáo sinh nhà trường thuộc lớp thanh niên mới lớn ở nhóm tuổi từ 20-25, một số ít trên dưới 40 tuổi và dưới 20 tuổi. Họ là giáo viên cấp I, nhân viên ở các huyện trong vùng mới giải phóng, hoặc vừa ở các đô thị vùng địch tạm chiếm ra vùng giải phóng. Họ giã từ giảng đường đại học để đến với mái trường cách mạng.

Đội ngũ thầy cô giáo lúc bấy giờ là những người vừa hồng vừa chuyên, tha thiết muốn góp phần cùng đồng bào ruột thịt đánh Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, nên sẵn sàng làm tất cả những gì có thể. Các thầy cô luôn động viên giáo sinh vượt qua khó khăn tập trung học tập. Thầy Minh nhớ lại: “Thầy và trò vừa dạy, vừa học, vừa tăng gia sản xuất, phát rẫy, làm nương, trồng bắp, trồng khoai. Nhiều thầy cô giáo và học sinh chưa từng cầm cái rựa cái cuốc, nhưng khi đến đây, tất cả đều hăng say sản xuất”.

Không những thế, thầy và trò vừa dạy học, vừa tránh sự càn quét của địch. Trong 2 năm (1964-1966), trường liên tục di chuyển vị trí từ Ba Lương sang Bình Định đến tây bắc Ba Tơ để đảm bảo bí mật. Đến năm 1967, trước kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ-ngụy, nên thầy và trò nhà trường đã phải rút lui. Sau khi địch rút quân, thầy và trò quay trở lại thì trường đã bị đốt phá. Trước sự càn quét dã man của địch, nhà trường phải ngừng hoạt động. Phải 5 năm sau, đến năm 1972, quân ta thắng lớn trên chiến trường miền Nam, Ban Giáo dục Khu V quyết định mở lại Trường Trung cấp Sư phạm Khu V tại xã Ba Khâm (Ba Tơ).
 

Mỗi khóa học có 4-5 tháng thực học. Trong 4 khóa học đầu tiên (1964-1967), nhà trường đã đào tạo trên dưới 400 thầy cô giáo, thì đã có trên 100 thầy cô giáo đã hy sinh.

Quả ngọt dâng đời

Gian khổ là vậy, nhưng niềm vui và hạnh phúc lớn lao mà những người thầy lúc bấy giờ có được, đó là các thế hệ học trò dần trưởng thành và có chỗ đứng trong xã hội. Nhiều học trò đã và đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng từ Trung ương đến địa phương, nhiều người tuổi đã cao, nhưng vẫn một lòng nhớ về thầy cô giáo cũ, về mái trường của một thời mưa bom, lửa đạn. “Đối với bậc làm thầy, đó là hạnh phúc, là niềm tự hào lớn lao”, thầy Minh bộc bạch.

Ông Hoàng Nam Chu, nhớ lại: Hồi ấy (đầu năm 1966), tôi đang là giáo viên cấp I Trường Phổ thông cấp I xã Phổ Ninh (Đức Phổ), nhận được giấy báo của huyện cho đi học lớp đào tạo dài hạn giáo viên cấp II tại Trường Trung cấp Sư phạm miền Trung Trung Bộ. Thời kháng chiến, việc đi học sư phạm được coi như đi làm cách mạng, vì trường sư phạm là nơi đào tạo giáo viên kháng chiến, để phục vụ công tác giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng.

Giáo sinh thời ấy không chỉ lo học để tiếp thu kiến thức mà còn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. “Ngay cả việc học cũng không đơn giản, ngày học hai buổi trên lớp, tối thì tự học. Mỗi giáo sinh phải tự túc một cái đèn dầu, thường dùng ve chai để làm đèn, nhưng phải che chắn  không để ánh sáng tỏa ra ngoài đề phòng máy bay địch phát hiện”, ông Chu nói. Chính những khó khăn, gian khổ ấy đã giúp các thế hệ học trò thêm trân trọng những gì có được. Họ tập trung học tập và hăng hái lao động sản xuất. Từ gian khổ ấy đã giúp bản thân ông Chu cùng nhiều giáo sinh khác nỗ lực để vươn lên.

Đã mấy chục năm trôi qua, thầy và trò Trường Sư phạm Khu V vẫn luôn hướng về nhau, chia sẻ những thông tin của nhau. Hằng năm, cựu giáo viên và giáo sinh của trường luôn tổ chức các buổi gặp mặt để cùng nhau ôn lại những truyền thống vẻ vang của một thời mưa bom, bão đạn.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.