Thu hút nhân lực ngành y tế chưa đồng bộ

06:03, 15/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong 4 năm qua, thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ của tỉnh, hằng năm ngành y tế có gần 50 bác sĩ được thu hút về công tác, góp phần bổ sung đội ngũ y tế có trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

Đẩy mạnh thu hút người tài

Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường thường chọn cho mình nơi công tác thuận lợi. Nhưng bác sĩ đa khoa Biện Thị Niềm Tin, 27 tuổi, quê Đức Nhuận (Mộ Đức), tốt nghiệp Đại học Y dược Huế lại đăng ký về công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Những ngày đầu về công tác, dù đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp xúc với người bệnh, nhưng qua gần 1 năm công tác, Tin đã trưởng thành rất nhiều.

“Lúc mới ra trường, gia đình khuyên em chọn bệnh viện tỉnh để phát triển nghề nghiệp, nhưng em vẫn muốn làm việc tại Bệnh viện Tâm thần. Bởi em muốn hiểu và trải nghiệm, cống hiến ở môi trường “đặc biệt” này. Ở đấy em không chỉ là thầy thuốc, mà còn là người bạn, người thân của người bệnh để giúp họ vượt qua nỗi đau...”, Tin trải lòng.

Mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất.
Mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất.


Còn với bác sĩ Lê Ngọc Thanh, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội với chuyên ngành y học cổ truyền,  năm 2014, Thanh đăng ký về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền theo diện thu hút của tỉnh. Hơn 3 năm công tác, bác sĩ Thanh đã có những đóng góp rất tích cực vào công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền của bệnh viện. Thanh còn được cơ quan tạo điều kiện học thêm về phục hồi chức năng để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Miền núi, chuyên khoa vẫn thiếu bác sĩ

Hằng năm, số bác sĩ thu hút về Quảng Ngãi nhiều, nhưng  theo ngành y tế thì hiện tại các bệnh viện chuyên khoa, tuyến y tế miền núi vẫn còn thiếu “người tài” về đầu quân. Đây là những nơi đặc thù rất cần bác sĩ để phát triển y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện tuyến tỉnh. Năm 2016, ngành y tuyển dụng 44 bác sĩ, trong đó về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi 32 bác sĩ.  Còn lại phân bổ khá ít ở bệnh viện chuyên khoa và tuyến huyện đồng bằng. Riêng 6 huyện miền núi, hải đảo, bác sĩ thu hút chẳng “chịu” về.

Bác sĩ Đinh Hồng Nhía - Giám đốc TTYT huyện miền Sơn Tây cho biết, mặc dù ngành y tế có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế công, nhưng đối với địa phương miền núi rất khó thu hút. Trong khi đó, nguồn nhân lực cần để phục vụ cho những bệnh nhân vùng cao này hết sức cần thiết.

“Những bác sĩ chuyên khoa hay trình độ cao đối với miền núi rất cần. Nhiều khi có máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đầy đủ, nhưng thiếu nhân lực vận hành, nên việc nâng cao chất lượng y tế miền núi gặp khó”,  bác sĩ Nhía nói. Bác sĩ Đặng Minh Hoàng - Giám đốc TTYT huyện Sơn Hà cũng cho rằng, nguồn lực hiện có đều do huyện tự thân vận động đào tạo và thu hút, hiện đơn vị rất thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu. Bởi lẽ, không phải ai cũng chịu lên ở một nơi xa xôi hẻo lánh này để công tác, cho dù là được hưởng các chế độ ưu đãi.

Còn tại các bệnh viện chuyên khoa như Tâm thần, Lao, Phổi tỉnh cũng đang rất thiếu bác sĩ chuyên khoa.  “Sức ép về công việc ngày một lớn, nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, nên nhiều năm nay bệnh viện không thể tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ và cử nhân tâm lý trị liệu chuyên khoa tâm thần”, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cho hay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, ngành y tế phấn đấu đến năm 2020 đạt 7 bác sĩ/vạn dân. Do đó, bên cạnh việc phát triển nhân lực y tế tuyến tỉnh, ngành y tế cũng cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tuyến cơ sở, nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế đặc thù, chuyên khoa và vùng miền núi khó khăn để góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.