Những người mẹ ở Sình Kè

08:03, 27/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Gần 1 năm qua, ba cô giáo ở trường tiểu học Trà Thủy vẫn ngày ngày lặn lội hơn chục cây số đường núi cheo leo để cõng chữ lên non. Đích đến của họ là Sình Kè (thôn 4, xã Trà Thủy, Trà Bồng)- nơi được xem là khu vực heo hút, nghèo nàn vào loại bậc nhất ở khu tây Quảng Ngãi.
Điểm lẻ của trường tiểu học Trà Thủy là ngôi nhà nằm ngay đầu thôn với hai phòng học ngày nào cũng rộn rã tiếng ê a học bài. Giữa muôn trùng núi non, khi cái nghèo đói còn vây lấy đồng bào Cor ở Sình Kè, để duy trì lớp học với trọn vẹn 30 học sinh là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ba cô giáo vùng cao.
 
Vượt núi cao, nuôi con chữ
 
Từ trung tâm thị trấn Trà Xuân đến thôn 4, xã Trà Thủy dài hơn 12km. Nghe tưởng chừng thật đơn giản nhưng để vượt qua từng ấy cây số là điều thật sự kinh hoàng đối với những người đã quen sống nơi phố thị. Cung đường sỏi đá lởm chởm với những đồi dốc cheo leo, dựng đứng thỉnh thoảng lại khiến người đi ngã úp cả người lẫn xe.

 

Mỗi ngày, ba cố giáo ở điểm trường lẻ thôn 4, xã Trà Thủy đều đặn vượt 24km đường núi cheo leo cả đi lẫn về để đến lớp
Mỗi ngày, ba cố giáo ở điểm trường lẻ thôn 4, xã Trà Thủy đều đặn vượt 24km đường núi cheo leo cả đi lẫn về để đến lớp.
 
Ấy vậy mà, với ba cô giáo ở điểm lẻ thôn 4 thì quãng đường ấy như người bạn đồng hành đưa các cô đến với những học trò thân yêu. Nắng cũng như mưa, cô Dương Thị Lan cùng Trương Thị Kiều Vân và cô Lê Thị Lên í ới rủ nhau từ 4 giờ sáng để vượt núi đến lớp học ở Sình Kè nuôi con chữ.
 
“Đường thế này là dễ đi lắm rồi đấy. Vẫn còn may cho mình vì còn về được nhà mỗi ngày!”- cô Dương Thị Lan vừa đi bộ leo lên con dốc cao trên quãng đường đến lớp vừa thở dốc, vừa nói.
 
Quả thật, so với những năm 1990, lần đầu tiên đến với Sình Kè, thì đoạn đường nguy hiểm 12km với các cô thật “dễ”. Bởi, “Mình đến với các học trò thôn 4 lần đầu thì phải đi bộ đường rừng, những ngày mưa lũ, nước suối dâng cao chia cắt đường đi thì phải trèo lên cây rồi vít ngọn cây cong xuống để đưa mình qua suối. Nghĩ lại không hiểu sao ngày đó mình gan to thế!”- cô giáo Dương Thị Lan với gần 30 năm gắn bó với giáo dục Trà Thủy cười hiền chia sẻ.
 
Còn với cô giáo Trương Thị Kiều Vân thì không thể nào quên những lần trời mưa đường trơn tuột như bôi mỡ. “Cứ đến mùa mưa thì trước khi đi dạy, chồng mình phải buộc dây xích vào bánh xe cho mình để đi đỡ phải ngã. Như mùa mưa năm rồi, hơn 4 tháng rả rích liên tục, đoạn đường về thôn 4 càng khủng khiếp, bùn lún đến hơn nửa bánh xe”- cô giáo Vân bộc bạch.

 

Tự tay sửa chữa ghế ngồi cho các học trò nhỏ bằng những sợi kẽm buộc tạm
Tự tay sửa chữa ghế ngồi cho các học trò nhỏ bằng những sợi kẽm buộc tạm.
 
Đây là điểm trường lẻ khó khăn nhất ở Trà Thủy nên các cô giáo luân phiên nhau đến dạy học. Với 3 cô giáo, năm học 2016-2017 là năm thứ 4-5 gắn bó với các học trò nơi đây. Trời nắng như lửa đốt, các cô khăn gói đến trường. Tiết mưa như trút nước, các cô vẫn lặn lội về lớp. Sự kiên nhẫn ấy chỉ có thể lý giải bằng tình yêu thương đối với các trò nhỏ như tình cảm dành cho những đứa con thân yêu của những cô giáo vùng cao.
 
Sẻ chia cực nhọc cùng các trò
 
Đồng hồ điểm đúng 13h15 phút, cô giáo Trương Thị Kiều Vân tất tả đội nón chạy xe máy hướng về thôn 4. Cô gõ của từng nhà để gọi các em nhỏ đến lớp đúng giờ. Đấy là tiết học phụ đạo buổi chiều.
 
“Ngày nào, các em đến lớp đầy đủ là ngày đó các cô mừng hết lớn. Dạy học ở đây chỉ sợ các trò chê cô giáo!”- Sau câu nói tiếu lâm của cô Vân là nỗi niềm khôn tả của giáo viên cùng cao.
 
Đời sống ở Sình Kè còn nghèo khó lắm. Nhiều bậc cha mẹ mải mê vào rừng, lên rẫy kiếm củi, lột quế mà bỏ quên sự học hành của con em. Thế là hành trình vận động các em ra lớp của các cô lại thêm vất vả, dài dòng.
 
“Ở đây, bố mẹ hay dẫn con vào rẫy ở Cà Tu, cách khoảng 4-5km đường rừng. Em nào nghỉ 1-2 ngày không đến lớp thì cô giáo lại phải tất tả chạy vào rẫy đi tìm để cõng học trò về. Thỉnh thoảng 1-2 tuần, mình lại phải đi vận động phụ huynh ở rẫy cho con về đi học”- Cô giáo Lê Thị Lên kể về nỗi nhọc nhằn của nghề gõ đầu trẻ ở nơi rừng thiêng nước độc.

 

Vừa dạy chữ lại vừa san sẻ khó khăn cùng các học tro vùng cao, các cô như những người mẹ luôn dỗ dành, thương yêu bầy con nhỏ
Vừa dạy chữ lại vừa san sẻ khó khăn cùng các học tro vùng cao, các cô như những người mẹ luôn dỗ dành, thương yêu bầy con nhỏ
 
Thương các em không được gia đình quan tâm đúng mức, các cô giáo cắm bản san sẻ tình cảm để bù đắp những thiếu hụt ấy. Không chỉ là miếng rau, mảnh áo, mà những hoàn cảnh khó khăn luôn được các cô quan tâm chia sẻ bằng đồng lương ít ỏi của bản thân.
 
Dạo trước, khi hay tin bố của hai chị em Hồ Thị Lan và Hồ Thị Trang bị ung thư máu, ba cô giáo liền báo với ban giám hiệu trường tiểu học Trà Thủy và xung phong đứng ra quyên góp giúp đỡ. Của ít lòng nhiều, các cô đang lo cùng nỗi lo của gia đình các học trò nhỏ.
 
Rồi khi hay tin, bố mẹ em Hồ Hoài Nam bỏ đi, em phải sống với ông ngoại già yếu. Cô Lan, Vân và Trang lại thay phiên nhau đến nhà cậu học trò nghèo động viên, giúp đỡ. Bằng cả tinh thần lẫn vật chất ít ỏi nhưng giàu lòng nhân ái, ba cô giáo luôn tìm cách nuôi con chữ cho 30 em học sinh tiểu học ở Sình Kè.
 
Tan học, các em học sinh rạng rỡ túa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ. Sau câu dặn dò về nhà nhớ ôn bài, các cô nán lại lớp để sửa chữa tạm những chiếc ghế hư, đã vênh đã đinh ốc. Từng sợi kẽm nhỏ được luồng vào tấm gỗ lót làm ghế một cách tỉ mẩn. "Bàn ghế hư hỏng nhiều, các em ngồi học cực khổ mà thấy tội lắm, nên đành sửa tạm cho tụi nó"- Cô giáo Vân tự nhủ.
 
Chưa bao giờ tôi lại thấy những chiếc ghế nào xinh xắn đến vậy như ở lớp học Sình Kè. Bởi, ở đó, tình yêu thương cùng sự kiên nhẫn của những người mẹ được thể hiện thật chân phương, giản dị nhưng tràn đầy ý nghĩa đối với bầy con nhỏ thơ ngây.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.