Chấn chỉnh đạo đức nhà giáo

03:03, 21/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ những vụ việc tiêu cực liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Sở GD&ĐT chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo, tăng cường biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.


Công khai trường hợp vi phạm

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;  tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo.

Người thầy phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.  (ảnh minh họa)
Người thầy phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. (ảnh minh họa)


Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học. Xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đồng thời các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng đạo đức nhà giáo hiện nay. Ông Phu cho rằng, trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm phải chú trọng hơn đến giáo dục nhân cách, đạo đức cho sinh viên, từ đó góp phần đào tạo, hình thành nhân cách cho người thầy ngay trong môi trường sư phạm. “Về phía Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo các trường, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thường xuyên nhắc nhở giáo viên thực hiện theo đúng quy định về đạo đức nhà giáo; đồng thời nghiêm túc xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo”, ông Phu nhấn mạnh.

Chữ “tâm” của người thầy

Dù ở bất kỳ thời đại nào, người thầy vẫn luôn được xã hội tôn vinh. “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, đây đó vẫn có tình trạng giáo viên ép học trò đi học thêm, nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo đã làm giảm uy tín của ngành giáo dục, cũng như hình ảnh người thầy.

Thầy giáo Tô Uyên Minh-Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình, chia sẻ: Trước đây, người thầy là người đại diện cho người cha, người mẹ, người anh để giáo dục, rèn giũa học sinh. Với vai trò thiêng liêng ấy, người thầy luôn nỗ lực nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm ấy được xuất phát từ trái tim. Nhờ vậy, nên học trò luôn tôn trọng người thầy. “Những lớp học trò ngày ấy đã và đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng từ Trung ương đến địa phương, nhiều người tuổi đã cao, nhưng mỗi lần gặp lại thầy giáo cũ đều kính cẩn chào thầy. Đó là những quả ngọt rất đáng trân trọng”, thầy Minh thổ lộ.

Thầy Minh nhớ lại, những thế hệ thầy giáo lúc đó hầu như không dạy thêm và nếu có dạy thêm thì mục đích chính là giúp các em vươn lên trong học tập, chứ không vì mục đích kinh tế. Trong khi đó, ngày nay một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo dùng nhiều biện pháp để ép học sinh đi học thêm. Đây là thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục hiện nay, điều này đã dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng, đó là tình cảm thầy-trò có những khoảng cách nhất định.

Mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông Hoàng Nam Chu- Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL vẫn dành tình cảm đặc biệt đối với thầy giáo cũ của mình, đó là thầy giáo Tô Uyên Minh. Ông Chu bộc bạch: “Những ngày lễ, tết, ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi luôn dành thời gian đến thăm thầy giáo Tô Uyên Minh. Chính thầy Minh và nhiều thầy cô giáo khác là những người lái đò thầm lặng đưa học sinh đến bến bờ tri thức. Trong lòng mỗi người học trò chúng tôi thời ấy luôn xem thầy giáo như người cha thứ hai của mình”. Tình nghĩa thầy trò đáng quý là thế đấy. Đối với người thầy giáo, chữ "Tâm" phải luôn đặt lên hàng đầu, để mãi là hình ảnh đẹp trong lớp lớp thế hệ học trò.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.