Tự học, tự chủ, tự khởi nghiệp

03:02, 19/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào khởi nghiệp đang được phát động khá rầm rộ ở nước ta và đang được sự hưởng ứng khá tích cực ở những người trẻ. Nhưng khởi nghiệp không phải phong trào, mà ở cá nhân tự khởi nghiệp. Như vậy, tự cá nhân ấy đã phải tích hợp được một lượng tri thức và kỹ năng nhất định để việc khởi nghiệp có khả năng thành công. Muốn có một lượng tri thức và kỹ năng nhất định thì phải học. Nhưng học ở đâu và học thế nào?

Lâu nay, nhà trường phổ thông vẫn cung cấp kiến thức một chiều, rất ít khi học sinh được thảo luận, càng không có chuyện học nhóm sinh hoạt nhóm để có thể trao đổi và biến kiến thức từ “bên ngoài” thành tri thức “bên trong” của mình.

Quá trình biến từ “bên ngoài” vào “bên trong” ấy, thực ra, lại là quá trình quan trọng nhất để người học trở thành người tự chủ, tự lập trong suy nghĩ, tự tìm được những “kênh” tiếp nhận cho riêng mình, và cuối cùng, biến những gì mình thu nhận được từ kho kiến thức của nhân loại thành “của riêng” thành sở hữu cá nhân của mình. Cái “của riêng” ấy sẽ phình to ra hay teo tóp lại hoàn toàn do cá nhân ấy có biết tự học hay không. Từ đó, mới có thể tự tin khi bắt tay vào một công việc lớn của đời mình mà ta hay gọi là “Khởi nghiệp”.

 


Trong quá trình học ở trường phổ thông, hay sau này học cao đẳng, đại học, thì khâu học theo nhóm là cách học hiệu quả nhất. Tiếc thay, cách học mà cả thế giới tiên tiến đều áp dụng ấy lại quá thưa vắng ở các trường học Việt Nam. Học theo nhóm vừa tạo được hứng khởi khi học, và người học lại có thể giúp nhau, cũng là tự giúp mình, tich hợp được những kiến thức cần thiết.
 
Học theo nhóm, cho tới bây giờ, vẫn là cách học tiên tiến nhất. Nó tạo cho người học thói quen đối thoại, trao đổi, điều chỉnh kiến thức, và những gì đã nhập vào trong đầu học sinh qua cách học ấy đều nằm lại rất lâu trong “kho kiến thức”, và sẽ nảy ra thành những câu hỏi hay câu trả lời cho người khởi nghiệp sau này.

Sau thời kỳ học theo nhóm, học sinh cần rèn luyện để có khả năng tự học. Đây là cách học quan trọng nhất đối với một con người và nó diễn ra trong suốt cuộc đời một con người. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những con người trở nên giỏi giang, trở nên uyên bác chỉ thông qua một quá trình tự học. Thậm chí, ở nước ta ngày trước còn có những người trở nên cực kỳ giỏi ngoại ngữ chỉ thông qua tự học.
 
Mà ai cũng biết, ngoại ngữ là môn học rất cần không gian giao tiếp, rất cần trao đổi và được hoàn thiện nhờ “người thứ hai” hay nhờ cả một tập thể, một cộng đồng. Vậy mà vẫn có những người tự học ngoại ngữ thành công, dĩ nhiên, kỹ năng nghe và nói của họ chưa thật tốt, do những đặc thù của môn ngoại ngữ cần giao tiếp giữa người với người. Nhưng bù lại, họ lại hiểu rất sâu về ngôn ngữ mà mình học, thậm chí, họ có trình độ của một nhà ngôn ngữ học.

Đã nói tới tự học thì không thể tách rời văn hóa đọc. Chính sự đọc đã cho người tự học tất cả những gì mà họ cần. Không ai chỉ xem ti vi hay lên facebook mà trở thành người thông thái cả. Sách vẫn là người thầy thầm lặng của mọi con người muốn trau dồi kiến thức, muốn trở thành một người có văn hóa. Đọc tự thân nó không tạo nên văn hóa, nhưng khi đọc như một hoạt động thường xuyên, người đọc sẽ tích hợp tri thức đủ cho mình trở thành một người có văn hóa, thậm chí, trở thành một nhà văn hóa.       
Thanh Thảo
 

.