Nhiều trường, lớp đang xuống cấp

03:02, 22/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều trường lớp ở tỉnh ta xuống cấp. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Không những thế, việc dạy và học trong những phòng học mất an toàn khiến cho thầy trò và phụ huynh học sinh đều lo lắng.

Cô, trò đều lo

Dù không còn ảnh hưởng của mưa, nhưng trên vách tường nhiều lớp học của Trường Tiểu học xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) vẫn còn nhiều vệt nước thấm. Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Mai than phiền: “Trường có 11 phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đều lo lắng khi dạy và học ở những phòng học này”.

Trước thực trạng này, Ban giám hiệu của trường đã nhiều lần báo lên cấp trên, nhưng đến nay kinh phí sửa sang vẫn chưa được giải quyết. Không chỉ các phòng học mà công trình nhà vệ sinh cũng xuống cấp, khu vực dành cho giáo viên phải đóng cửa 3 năm nay, còn khu dành cho học sinh thì cũng chỉ dùng tạm bợ, vì xây dựng từ năm 1994.

Bài, ảnh: MAI HẠ  Nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phải đóng cửa, vì hư hỏng.
Nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phải đóng cửa, vì hư hỏng.


Với các huyện miền núi, do địa hình phức tạp cùng với nguồn kinh phí có hạn nên cũng có nhiều trường xuống cấp. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Phạm Sơn, chia sẻ: Vì xuống cấp nên phòng phải chỉ đạo Trường Mẫu giáo Trà Xinh, Trà Thanh đóng cửa 5 phòng học; Trường Tiểu học và THCS xã Trà Trung đóng cửa 5 phòng học. Vì thế, các trường phải dựng phòng tạm, ghép lớp để dạy học cho các em.

Tại huyện Ba Tơ, các điểm trường tiểu học thôn Làng Vờ (Ba Nam), thôn Hố Sâu (Ba Khâm), thôn Cây Muối (Ba Trang), Gò Khôn (Ba Giang)... đều có phòng học xuống cấp, hư hỏng nặng. "Những khung sắt đã gỉ, mái tôn mục nát... rất nguy hiểm khi phải dạy và học trong những phòng học này, nhưng phòng cũng đành phải chờ huyện và tỉnh bố trí kinh phí", Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, lo ngại.

Kinh phí đầu tư nhỏ giọt

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tài, thông tin: Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 20 trường từng đạt chuẩn Quốc gia, nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, năm 2017 ngành chỉ được bố trí khoảng 7 tỷ đồng. Số tiền này, phòng chỉ dành tu sửa lại một số phòng học ở Trường THCS xã Đức Thắng và mua sắm thiết bị cho hệ thống giáo dục ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) trên toàn huyện.

Trường Tiểu học Năng An, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), một trong những điểm trường bị hư hỏng nặng cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư. Ảnh: Mai Hạ
Trường Tiểu học Năng An, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), một trong những điểm trường bị hư hỏng nặng cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư. Ảnh: Mai Hạ


Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết, trước việc trường xuống cấp, nhưng kinh phí khó khăn, sắp tới huyện sẽ tận dụng những nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa, hoặc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng mới và tu sửa.

Với huyện Tây Trà, năm nay ngành giáo dục cũng chỉ được bố trí khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa phòng học và 1,7 tỷ đồng để mua sắm thiết bị. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Phạm Sơn cho rằng: “Để xây dựng mới một phòng học trên địa bàn cũng tốn hàng trăm triệu đồng. Với nguồn kinh phí “nhỏ giọt” này thì cũng chỉ ưu tiên cho những điểm trường xung yếu nhất. Những điểm còn lại đành phải tận dụng để dạy tạm!”.

Cần vận dụng nhiều nguồn

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, cho biết: Theo  phân cấp quản lý đầu tư, đối với ba bậc học, gồm: Mầm non, tiểu học và THCS thì phòng GD&ĐT các huyện, thành phố quản lý. Nguồn kinh phí hoạt động và duy tu sửa chữa, xây dựng mới do các huyện, thành phố phân bổ. Thực tế hiện nay, nhiều trường lớp ở các bậc học xuống cấp. Trong khi nguồn ngân sách có hạn, nên các địa phương cần kết hợp và huy động từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa. Có như vậy, mới mong đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Với những trường do Sở GD&ĐT quản lý (bậc THPT), tuy cơ sở vật chất được đầu tư có khá hơn, nhưng so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục theo chủ trương chung thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong năm 2017, tỉnh phân bổ khoảng 40 tỷ đồng để duy trì, bảo dưỡng chống xuống cấp trường lớp học. "Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, Sở chủ trương đầu tư tập trung theo phương thức cuốn chiếu ở những điểm trường xuống cấp nặng. Đối với một số trường xuống cấp nhưng vẫn còn sử dụng tạm được sẽ đầu tư sau", ông Phu chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.