Ngành giáo dục với việc thực hiện Đề án vị trí việc làm

02:02, 28/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng Đề án vị trí việc làm nhằm xác định số lượng biên chế từng bộ phận để xác định thừa - thiếu biên chế ở các vị trí của từng đơn vị trường học. Trên cơ sở đó đề xuất các cấp cho phép tuyển dụng, điều chuyển nhằm khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Đối với ngành GD&ĐT, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cấp trường được quy định cụ thể, rõ ràng trong Điều lệ do Bộ GD&ĐT ban hành. Việc xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc ở các trường học được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Ở mỗi cấp học, tùy theo hạng trường, tổng số lớp trong một trường học mà xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc tương ứng.

 Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều đơn vị trường học Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học. Ảnh: Tr. Phương
Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều đơn vị trường học Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học. Ảnh: Tr. Phương


Sự khác biệt về số lượng vị trí việc làm và số lượng người làm việc của các trường trong mỗi cấp học phụ thuộc vào hạng trường, số lượng lớp của từng trường. Trong quá trình thực hiện cho thấy một điểm bất hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên là không quy định số lượng học sinh tối thiểu/lớp, mà chỉ quy định số lượng tối đa (Điều lệ trường tiểu học quy định số học sinh tối đa không quá 35 em/lớp; Điều lệ trường THCS, THPT quy định tối đa không quá 45 em/lớp).

Chính vì chưa có giới hạn tối thiểu, nên các trường đã chọn giải pháp giãn lớp để khắc phục tình trạng thừa giáo viên. Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) Trần Quang Hồng, cho hay: Năm 2011, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được UBND tỉnh ra quyết định chuyển từ bán công sang công lập. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo nhà trường phải xây dựng Đề án vị trí việc làm. Theo đó, trường đã đảm bảo đủ chỉ tiêu các vị trí. Riêng vị trí gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp, cụ thể là giáo viên thì thừa so với quy định.

Theo Thông tư 35 quy định, mỗi lớp chỉ có 2,25 giáo viên. Hiện trường có 33 lớp tương đương 74 giáo viên, nhưng trên thực tế trường có tới 79 giáo viên. Như vậy toàn trường thừa 5 giáo viên. “Để giải quyết tạm thời tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhà trường đã giãn số lớp. Nếu như trước đây sĩ số học sinh trên 40 em/lớp, năm học này nhà trường chỉ biên chế mỗi lớp 37 em”, thầy Hồng nói.

Thầy Hồng cũng cho biết thêm, khó khăn hiện nay của trường là thiếu giáo viên cục bộ ở các môn, nhất là Tin học. Tuy nhiên, do tổng số giáo viên của trường thừa, nên không thể tuyển dụng. Vì vậy, nhà trường bố trí giáo viên Toán-Tin và Lý-Tin sang dạy Tin và hợp đồng tiết với 2 giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu cục bộ.

Từ năm 2012, ngành GD&ĐT huyện Nghĩa Hành triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm gửi Phòng Nội vụ huyện tổng hợp và trình Sở Nội vụ. Mục đích của việc xây dựng Đề án vị trí việc làm nhằm xác định số lượng biên chế từng bộ phận để xác định thừa - thiếu biên chế ở các vị trí. Trên cơ sở đó đề xuất các cấp cho phép tuyển dụng.

 Dựa trên Đề án vị trí việc làm của địa phương, từ năm 2012 - 2016, Sở Nội vụ đã giao 1.077 biên chế cho ngành GD&ĐT Nghĩa Hành, trong đó sự nghiệp ở Phòng GD&ĐT là 15 biên chế, mầm non 210, tiểu học 403 và THCS 449. Đến cuối năm 2016, trên tinh thần cải cách hành chính, Sở Nội vụ đã giảm 30 biên chế của ngành GD&ĐT Nghĩa Hành, trong đó, tiểu học giảm 6 biên chế, THCS giảm 24 biên chế. Hiện nay, theo biên chế Sở Nội vụ giao, ngành GD&ĐT huyện Nghĩa Hành vẫn còn thiếu 200 biên chế.

Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Nhất là đối với bậc tiểu học và mầm non vẫn còn thiếu nhiều giáo viên. Hiện Nghĩa Hành đang chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch để địa phương tuyển dụng giáo viên, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học 2017-2018.

P. LÝ - T. PHƯƠNG
 


.