Làm sao để học là sáng tạo?

04:02, 07/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc học tập của học sinh, không chỉ nhằm thu nhận kiến thức, mà quan trọng hơn, là từ nền tảng kiến thức có được, học sinh phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Những sáng tạo ấy có thể lớn có thể nhỏ, nhưng đã là sáng tạo thì không “copy”, không “cắt dán”, không lặp lại, và ít nhiều đều tạo ra những giá trị mới.

Tôi mới đọc bài báo về chuyện hai em nữ học sinh lớp 8 ở Hậu Giang: “Chỉ cần những dụng cụ đơn giản trị giá chưa tới 200.000 đồng, hai nữ sinh Nguyễn Thị Thu Ngân và Nguyễn Thị Yến Linh (lớp 8A3, Trường THCS Thuận Hưng, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) đã làm ra thiết bị lọc nước bằng năng lượng mặt trời giúp ích cho cộng đồng”.

Sáng tạo này hoàn toàn xuất phát từ thực tế, khi hai em nữ sinh thấy đồng bào ở quê mình bị nạn xâm nhập mặn làm thiếu nước ngọt để dùng, hai em đã trăn trở nghĩ cách làm sao giúp được đồng bào sở hữu nước ngọt bằng phương tiện đơn giản nhất. Từ đó đã nảy sinh ra máy lọc lấy nước ngọt dùng bằng năng lượng mặt trời.

Có hai điều chúng ta khâm phục sáng chế này của hai em nhỏ nữ sinh lớp 8: Đó là giá thành dụng cụ lọc nước quá rẻ, chỉ 200.000 đồng và dùng năng lượng mặt trời làm “nhiên liệu vĩnh cửu” cho máy lọc nước. Cả hai yếu tố này khiến phát minh của hai em, tuy không lớn và cũng đã có mẫu hình trên thế giới, nhưng vẫn là một phát minh rất giá trị, do khả năng ứng dụng của nó rất cao và nó phù hợp với điều kiện thiên nhiên và với... túi tiền của nhân dân lao động Việt Nam.

Tôi được biết, ngay tại đảo Bé thuộc đảo Lý Sơn, cộng đồng dân cư ở đây cũng được Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina tặng cho một máy lọc nước biển thành nước ngọt có giá 20 tỷ đồng, để sử dụng. Máy này rất lớn, vận hành bằng 2 máy phát điện, mỗi máy có công suất 64kW/h. Công suất của máy lọc nước này khá lớn, có thể lọc được 400m3/ngày đêm.

Những máy lớn và đắt tiền như thế này thì không phải địa phương nào bị nạn xâm nhập mặn làm thiếu nước ngọt cũng có điều kiện để sở hữu nó. Trong khi đó, cái máy nhỏ bé chỉ có giá 200.000 đồng của hai em học sinh lớp 8 lại hoàn toàn khả dụng và có thể phổ biến trong phạm vi toàn quốc. Bất cứ nơi nào, kể cả quần đảo Trường Sa, cũng đều dùng được thiết bị lọc nước nhẹ nhàng và rất ít tốn tiền, hoàn toàn không tốn điện năng này.

Rồi tôi lại nhớ, cách dạy học ở trường phổ thông của chúng ta vẫn nghiêng về phương pháp “thầy đọc trò chép” rất thụ động. Học như thế, chẳng biết kiến thức vào được trong đầu học sinh bao nhiêu, nhưng chắc chắn, nó sẽ ngăn trở khả năng sáng tạo của học sinh rất nhiều. Người thụ động thì không bao giờ có sáng tạo, đó là điều chắc chắn. Đừng biến học sinh chúng ta, dù ở cấp học nào, trở thành những con người thụ động.

Phải làm sao khơi gợi, làm hứng khởi và khuyến khích sức sáng tạo của học sinh từ mỗi bài học bình thường trong lớp. Hai em nữ sinh lớp 8 ở Hậu Giang sở dĩ có được kết quả khi sáng chế máy lọc nước, vì các em hứng thú với những bài học vật lý trong nhà trường. Và các em biết lên mạng internet để truy tìm những kiến thức bổ sung từ những bài học vật lý ấy. Từ đó mới nảy sinh sáng tạo.

Thanh Thảo
 


.