Chủ tịch nước giao 8 nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT

08:02, 05/02/2017
.

Chiều 4/2, nhân dịp đầu xuân mới 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm, chúc tết cán bộ, công chức, viên chức Bộ GD&ĐTvà cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam.

Đón Chủ tịch nước có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Văn Ga; cùng một số vị nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng qua các thời kỳ; và đông đảo đại diện lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT.

 

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các quan khách cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các quan khách cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam



Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ

Sau lễ cắt băng khánh thành phòng truyền thống, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với lãnh đạo và cán bộ, viên chức Bộ GD&ĐT, nghe đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo một số vụ chức năng báo cáo khái quát về tình hình hoạt động của Bộ cùng những nỗ lực nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm qua.

Chủ tịch nước khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng.

Cụ thể: Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý; Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần tích cực vào phát triển giáo dục và đào tạo của toàn xã hội; Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến quan trọng.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng đã được ban hành với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều giành được Huy chương Vàng. Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

8 nhiệm vụ Chủ tịch nước giao cho ngành Giáo dục

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của giáo dục và đào tạo là hết sức quan trọng, là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia; nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo, Chủ tịch nước đã dẫn lời của Người anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”.

 Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, Chủ tịch nước đồng tình với 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đã đề ra. Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong ngành Giáo dục và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc, đem lại lợi ích cho mọi người, các tầng lớp nhân dân; các cấp, các ngành phải làm hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục.

 Chủ tịch nước ghi sổ vàng truyền thống của ngành GD&ĐT
Chủ tịch nước ghi sổ vàng truyền thống của ngành GD&ĐT


Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động nhằm hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”, đồng thời, với việc giáo dục nâng cao tri thức, cần tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất.

Đổi mới việc giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống, kiến thức, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội, tác phong ứng xử đối với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi.

Tổ chức các phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thể chất trong học sinh, sinh viên để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh. Chủ tịch nước mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục” nhằm xây dựng thế hệ tương lai ngày càng cường thịnh.

Thứ ba, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp môi trường thực hành giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp; nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu”.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng người thầy chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ, mà còn phải bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học, tức là giáo dục toàn diện, như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức”, “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước.

Thứ sáu, triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực.

Sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao, như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài để hình thành đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực này.

Thứ bảy, quan tâm công tác giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề, bảo đảm xóa mù chữ bền vững.

Thứ tám, đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chung tay chăm lo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục để đất nước ta sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
 

Theo Dĩ Hạ/GD&TĐ


 


.