Những điểm sáng của ngành giáo dục

09:01, 13/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, lần đầu tiên ngành giáo dục Quảng Ngãi tuyển sinh vào lớp 10 có thêm phần thi kỹ năng nghe môn tiếng Anh. Trong khi nhiều trường lo lắng, thì Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) coi việc đó là bình thường, vì đã dạy cả 4 kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết từ nhiều năm nay.

TIN LIÊN QUAN

Trong kỳ thi vào lớp 10 năm học vừa qua, trường có nhiều em thi vào Trường THPT chuyên Lê Khiết có số điểm khá cao; có 2 em đạt giải Tài năng tiếng Anh cấp tỉnh. Đây là kết quả của việc đổi mới phương pháp dạy – học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn tiếng Anh theo định hướng  phát triển 4 kỹ năng.

Trường chú trọng kiểm tra kỹ năng giao tiếp, kiến thức ngôn ngữ, những hiểu biết về đất nước, con người và nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới; kiểm tra đánh giá đều dựa vào mục tiêu, yêu cầu cụ thể của từng lớp học, năng lực ngôn ngữ của học sinh theo khối lớp. Mỗi bài kiểm tra được xác định theo chuẩn kiến thức kỹ năng tại thời điểm kiểm tra... Bên cạnh tăng cường các kỹ năng dạy học môn tiếng Anh, các tổ chuyên môn đã xây dựng ma trận và xác định cấu trúc bài kiểm tra.

Nhiều trường ở huyện Sơn Hà được đầu tư tạo môi trường thân thiện cho trẻ đến trường.
Nhiều trường ở huyện Sơn Hà được đầu tư tạo môi trường thân thiện cho trẻ đến trường.


Đối với bài kiểm tra nói: Câu hỏi trực tiếp đều liên quan đến chủ đề của bài học; đồng thời có các gợi ý về nội dung hoặc ngôn ngữ. Qua kiểm tra, học sinh được thầy cô giáo chỉnh sửa cách phát âm. Đối với bài kiểm tra 15 phút, thường chọn 1 trong 3 kỹ năng: Nghe, đọc, viết, bám sát chủ đề, phạm vi kiến thức ngôn ngữ. Bài kiểm tra 1 tiết, trường tổ chức kiểm tra các phần: Nghe đọc, viết và kiểm tra kiến thức ngôn ngữ. Bài kiểm tra học kỳ có thêm kỹ năng nói…

Tuy nhiên, kỹ năng nói thấp hơn so với yêu cầu của chuẩn kiến thức –kỹ năng. Hiệu trưởng nhà trường Huỳnh Bá, cho biết: Ban Giám hiệu trường đã quyết định dành một phòng để đầu tư cho môn tiếng Anh. Sử dụng phòng dạy giáo án điện tử, đầu tư 2 máy cassette và nhiều đĩa nghe có chất lượng cao; duy trì CLB tiếng Anh... Ngoài đảm bảo chất lượng dạy đại trà, trường còn phát hiện những em có năng lực về tiếng Anh đầu tư thi học sinh giỏi và các cuộc thi tiếng Anh khác.

Còn ngành giáo dục huyện Sơn Hà thì tích cực đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường lớp học để đạt mục tiêu nâng cao giáo dục toàn diện. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Thành, cho biết: Đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, ngành đã tham mưu và xây dựng Đề án xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học giai đoạn 2016 – 2020, với kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng.

Năm học 2015 – 2016, ngành đã được đầu tư gần 29 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trường, lớp học. Đến nay, mạng lưới trường học ở huyện khang trang, nhiều trường được đầu tư đồng bộ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Toàn huyện hiện có 7 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và thấp còi giảm nhiều so với trước; tỷ lệ đánh giá năng lực chưa đạt ở bậc tiểu học giảm còn 2,7%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, trung bình ở bậc THCS tăng lên.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.