Bỏ điểm sàn xét tuyển đại học: Nên hay không?

01:01, 06/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 với dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) như mọi năm, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều ý kiến trái chiều

 Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán Bùi Phụ Anh cho rằng, điểm sàn đã không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Khi bỏ điểm sàn thì các trường sẽ tự chủ trong công tác tuyển sinh. Ông Bùi Phụ Anh dẫn chứng, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng điểm sàn cho từng tổ hợp môn chung cho tất cả các trường, nhưng trên thực tế những trường tốp đầu lấy điểm chênh lệch rất lớn.

Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng phải theo thứ tự ưu tiên.                                                                                                                                                     (ảnh minh họa)
Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng phải theo thứ tự ưu tiên. (ảnh minh họa)


Trong khi đó, các trường tốp dưới lại không tuyển đủ thí sinh. Như vậy việc đưa ra một mức điểm sàn chung để áp dụng với tất cả các trường là không phù hợp. “Khi bỏ điểm sàn, dư luận lo lắng đến chất lượng đầu vào của các trường, nhất là các trường tốp dưới. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ sẽ không có trường nào lấy điểm đầu vào quá thấp so với điểm sàn chung của những năm trước. Bởi nếu làm như vậy đồng nghĩa với việc các trường đang đối đầu với chất lượng đào tạo của mình. Vì vậy, chắc chắn các trường sẽ có sự cân nhắc trước khi đưa ra mức điểm sàn xét tuyển vào trường mình”, ông Bùi Phụ Anh, nhận định.

Tuy nhiên, việc không đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là đối với các trường nghề. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH  Phạm Văn Đồng Phạm Nghi, nếu bỏ điểm sàn sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường thuộc tốp dưới. Bởi trên thực tế, những năm qua các trường tốp dưới tuyển không đủ chỉ tiêu.

Riêng ở Quảng Ngãi, hầu hết các trường chỉ tuyển được chừng 60% chỉ tiêu. Điều này đã gây khó khăn nhất định cho các trường trong công tác đào tạo. Vì vậy, việc bỏ điểm sàn sẽ tăng cơ hội cho thí sinh lẫn nhà trường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đó là nhiều em sẽ chạy đua để học ĐH, như vậy các trường nghề sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. “Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT nên đưa ra từng mức điểm sàn riêng cho từng tốp trường, để các thí sinh dựa vào khả năng của mình đăng ký nguyện vọng phù hợp”, ông Nghi nói.
 
Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng

 Ngoài điểm mới về dự kiến bỏ điểm sàn, tại dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH  năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh riêng và báo cáo với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ dựa vào đấy để thanh - kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh của các trường. Điều này giúp các trường tự chủ trong việc xây dựng phương án tuyển sinh. “Nhà trường rất ủng hộ với dự kiến đổi mới này của Bộ GD&ĐT. Hiện trường chuẩn bị hoàn thiện phương án tuyển sinh để công bố rộng rãi.

Dự kiến nhà trường sẽ tuyển khoảng 1.400 chỉ tiêu (không tuyển CĐ), trong đó có 400 chỉ tiêu dự kiến tuyển cho phân hiệu mới tại Huế. Bên cạnh đó, ngoài các tổ hợp truyền thống, nhà trường cũng sẽ mở ra nhiều tổ hợp mới phù hợp với những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường”, ông Bùi Phụ Anh, chia sẻ.

Năm nay, theo dự thảo, thí sinh được đăng ký nguyện vọng trước khi thi và không giới hạn số lượng nguyện vọng như trước đây, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Bộ GD&ĐT cũng có phần mềm “chống ảo”. Khi nào thí sinh đủ điểm vào bất kỳ nguyện vọng nào tính theo thứ tự ưu tiên thì sẽ không được xét tuyển vào trường khác.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.