Thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi: Một hội thi nhiều ý nghĩa

05:12, 08/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình trạng học sinh sa sút về đạo đức, vi phạm điều lệ nhà trường phổ thông cũng như tình trạng bạo lực học đường… xảy ra ngày càng nhiều, trong khi nhiều giáo viên còn thiếu kinh nghiệm,  kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.  Do đó, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như giúp GVCN học hỏi những kinh nghiệm hay.

TIN LIÊN QUAN

Chú trọng giáo dục đạo đức...

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức thành công Hội thi GVCN lớp giỏi. Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ lần đầu tiên được Sở GD&ĐT tổ chức. Mục đích của việc tổ chức hội thi là nhằm tuyển chọn, công nhận giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp.

Đồng thời, đánh giá thực trạng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Trao giấy chứng nhận cho giáo viên đạt giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi năm học 2016-2017.
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Trao giấy chứng nhận cho giáo viên đạt giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi năm học 2016-2017.


Tham gia hội thi, mỗi giáo viên phải thực hiện 4 phần thi, gồm: Thi hồ sơ giáo viên chủ nhiệm, thi hiểu biết, thi ứng xử tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm lớp và phần thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm.

Phải là nhà tâm lý học

Cô giáo Huỳnh Hoàng Diệu- Trường THCS Phạm Văn Đồng (Nghĩa Hành) có 6 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy thì đã có 2 lần là GVCN giỏi cấp huyện, chia sẻ: GVCN là người mẹ thứ hai và cũng là nhà tâm lý học để kịp thời chia sẻ với học sinh những vấn đề xảy ra trong gia đình, trường học. Bản thân cô Diệu luôn lồng ghép giữa việc học với giải trí thông qua các hoạt động ngoài trời, nhằm giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học.

Với vai trò là GVCN, cô Diệu luôn quan tâm, lắng nghe và tìm hiểu hoàn cảnh của học trò. Trong quá trình học tập, một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ ly hôn từ khi em được một tháng tuổi. Năm lớp 6, em này đã ở lại lớp. Cô Diệu đã thường xuyên đến nhà để gần gũi và động viên em học tập; đồng thời phối hợp với nhà trường trong việc hỗ trợ em trong học tập cũng như giảm học phí; bố trí cho em ngồi chung với một bạn học khá để hỗ trợ trong việc học và động viên về tinh thần. Nhờ vậy, năm học sau từ một học sinh yếu em đã vươn lên đạt loại khá.

Bản thân là GVCN của lớp 10A7, Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi), cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà luôn nỗ lực hoàn thành tốt vai trò của mình. Theo cô Hà, GVCN là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi người thầy phải thật sự là những người có tâm và có nhiều kỹ năng giải quyết các tình huống. Những tình huống xảy ra trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư, tìm hiểu để giải quyết một cách tốt nhất.

Đặc biệt, đối với học sinh cấp III, các em đang trải qua một thời kỳ quan trọng của lứa tuổi vị thành niên. Vì vậy, GVCN phải thật sự tâm lý để các em tin tưởng chia sẻ những vấn đề gặp phải. “Ngay sau khi hoàn thành hội thi, các em lớp 10A7 đã chúc mừng cô giáo chủ nhiệm bằng những dòng chữ trên bảng cùng bó hoa tươi thắm. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là thành công của bản thân trong công tác chủ nhiệm thông qua việc các em biết chia sẻ niềm vui với giáo viên”, cô Hà phấn khởi.

Chưa có sức lan tỏa

Hội thi GVCN lớp giỏi có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng các kỹ năng về công tác chủ nhiệm, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình làm công tác chủ nhiệm... Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường, phòng GD&ĐT chưa “mặn mà" với hội thi cũng như chưa thực sự nghiêm túc cử giáo viên tham gia hội thi. Theo số liệu tổng hợp của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 108 giáo viên tham gia hội thi.

Trong đó, bậc THCS có 72 giáo viên của 12 Phòng GD&ĐT; bậc THPT có 36 giáo viên của 22/39 trường tham gia. Ngành GD&ĐT cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những đơn vị không tham gia hội thi; đồng thời sử dụng kết quả hội thi vào đúng mục đích theo quy định tại Thông tư 43/2012/TT-BGDĐT về điều lệ thi GVCN lớp giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhằm động viên, khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi.

 Hơn nữa, cơ cấu giải thưởng theo quy định chung dành cho hội thi còn rất hạn chế, giải cao nhất (giải Nhất) cũng chỉ có 300 nghìn đồng. Số tiền trên không đáng là bao so với nguồn chi phí giáo viên phải bỏ ra để đầu tư cho quá trình tham gia hội thi. Vì vậy, để khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi như giáo viên dạy giỏi, hay giáo viên chủ nhiệm giỏi... tạo sức lan tỏa rộng, đòi hỏi cần phải có chế độ khen thưởng thỏa đáng.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.