Không để thiếu cái chữ

11:11, 02/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều hộ gia đình dân tộc Hrê ở Làng Ren, xã Long Môn (Minh Long) vẫn quyết tâm nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.  

TIN LIÊN QUAN

Thôn làng Ren, xã Long Môn, là địa bàn xa nhất của huyện Minh Long, đường sá đi lại khó khăn. Để đến được trường học, học sinh ở làng Ren  phải vượt qua 4 ngọn núi cao, nhiều đoạn đường đất và dốc thẳng đứng rất nguy hiểm. Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Long Môn cho biết, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 học tại làng, đối với lớp 4 trở lên học điểm trường chính ở trung tâm xã.

Trẻ em ở làng Ren để học được con chữ rất đỗi nhọc nhằn, con đường đến trường luôn ướt đẫm mồ hôi. "Tuy nhà nghèo, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng nhiều học sinh ở làng Ren rất ham học. Hầu như không có trường hợp học giã gạo hay bỏ học giữa chừng”, thầy Tuấn phấn khởi nói.

 Học sinh làng Ren luôn cố gắng vượt qua khó khăn thực hiện ước mơ đến trường.
Học sinh làng Ren luôn cố gắng vượt qua khó khăn thực hiện ước mơ đến trường.


Để tạo điều kiện cho học sinh ở làng Ren, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Long Môn đã bố trí cho các em chỗ ở bán trú. Đến cuối tuần phần lớn các em mới về nhà. Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường còn phân công giáo viên trực đêm và hướng dẫn các em học tập. Thầy giáo Đinh Đức Lập, dạy các bộ môn tự nhiên, nhận xét:

“Các em rất ham học và có hướng phấn đấu rất tốt”.  Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liễu - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, cũng rạng ngời niềm vui khi nói về tình hình học tập của học sinh ở làng Ren: "Ở khu vực miền núi nói chung thường lo lắng về tình trạng học sinh bỏ học, nhưng đối với học sinh ở làng Ren thì hiếm có chuyện đi học giã gạo và bỏ học giữa chừng. Mặc dù phải đi bộ hơn 8km đường đồi núi để đến trường, nhưng ngay từ đầu năm học các em đã ra lớp đầy đủ, không có tình trạng bỏ học giữa chừng".

Cô giáo Liễu cho biết thêm, những ngày đầu, các em được phụ huynh đưa đến tận trường. Sau vài lần quen với đường sá, các em tự đi một mình. Anh Đinh Văn Hiệp - phụ huynh của em Đinh Duy Hồng (học sinh lớp 4A), bộc bạch: "Mặc dù cái ăn hằng ngày vẫn chưa được đảm bảo, nhưng vợ chồng mình vẫn quyết tâm cho các con ăn học.  

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Làng Ren ý thức được tầm quan trọng của việc học, nên phần lớn tạo điều kiện thuận lợi cho con cái đi học. Nhờ vậy nên phần lớn cán bộ, lãnh đạo xã Long Môn là con em người làng Ren.

Ông Đinh Ra Ói - Bí thư Đảng ủy xã Long Môn, người từ làng Ren, cho biết: Trong những năm qua, chính quyền địa phương cùng với nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Nhờ vậy nên tỷ lệ học sinh ra lớp ở xã đạt rất cao.

Riêng làng Ren có trên 70 hộ với trên 400 khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây keo... Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn,  thấm thía với khó khăn trong cuộc sống khi thiếu cái chữ, nên bà con luôn có ý thức cho con đi học để thoát nghèo.

Nhiều gia đình cho con học tới nơi tới chốn và có công việc ổn định. Tiêu biểu như gia đình ông Đinh Oát (60 tuổi). Các con của ông đều học hành đàng hoàng, hiện một cậu con trai là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã; một người là bác sĩ, một người đang học đại học tại tỉnh Quảng Nam và một người con trai tốt nghiệp cấp III, sau đó đi nghĩa vụ quân sự.

“Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để con em địa phương được học tập trong điều kiện tốt hơn, nhất là tạo điều kiện cho những em học sinh thuộc diện ở bán trú, nhằm khuyến khích các em tập trung học tập, góp phần xây dựng quê hương”, ông Trịnh Đình Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Long Môn kiến nghị.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.