Gieo chữ ở non cao

10:11, 20/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tình yêu nghề, yêu trẻ, cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Trường Tiểu học Trà Xinh (Tây Trà) đã hơn 25 năm vượt qua khó khăn, ở lại vùng cao gieo chữ, thắp ước mơ...

TIN LIÊN QUAN

Một cảnh ba quê

Có dịp quen biết cô Anh khi cùng theo chân một nhóm tình nguyện đến tặng quà cho các em học sinh ở Trà Xinh. Dù là ngày nghỉ, nhưng cô Anh vẫn sắp xếp thời gian để làm hướng dẫn viên, tiên phong dẫn đoàn vượt qua chặng đường cả trăm cây số. Chiếc xe máy của người nữ thủ lĩnh thuần thục băng qua những đoạn đèo dốc quanh co, khiến cho cánh tài xế lái ô tô theo sau khá yên tâm khi bám đuổi. Đến nơi, cô Anh lại cùng mọi người phân loại quần áo, sách vở để trao cho các em học sinh.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh bên các em học sinh thân yêu.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh bên các em học sinh thân yêu.


Có cơ hội trò chuyện cùng nhau, cô Anh cười vui nói: “Lên đây dạy đã mấy chục năm rồi, nên đến cả cái ổ gà trên đường mình cũng thuộc”. Sinh ra và lớn lên ở xã Trà Bình (Trà Bồng), nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm vào năm 1990, cô Anh được phân công về Trường Tiểu học Trà Xinh giảng dạy. Từ đó đến nay cô Anh như con thoi đi đi, về về giữa Trà Xinh và Trà Bình để vừa hoàn thành trách nhiệm của một cô giáo, vừa hoàn thành trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình.

“Lúc trước đi dạy các điểm lẻ ở Trà Veo, Trà Ôi cả tháng mới về nhà một lần. Sinh con xong mình phải gửi cháu lại cho bà ngoại chăm nom. Mãi đến năm rồi khi cháu nó vào lớp 10 học dưới TP. Quảng Ngãi, mình cũng đã về điểm chính dạy, nên tranh thủ sắp xếp chiều thứ 6 về thăm mẹ ở Trà Bình, chiều thứ 7 xuống TP.Quảng Ngãi thăm con rồi chiều chủ nhật trở lại trường. Hơi vất vả một chút, nhưng đã gắn bó với các em ở đây rồi, thành quen mà chẳng nỡ xa”, cô Anh chia sẻ.

Yêu thương níu chân người

Những khó khăn thời gian đầu đến với học trò ở Trà Xinh, bây giờ được cô Anh xem là kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ, khi không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm. Cô Anh kể, ngày mới lên dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng cô vẫn không khỏi sốc khi phải đi bộ cả ngày trời, qua nhiều dốc núi cheo leo mới đến điểm trường ở Trà Veo. “Mùa nắng sông cạn nước thì có thể lội qua, nhưng mùa mưa nước lớn thì phải ngồi trên cái lốp xe cũ nhờ người dân đưa qua sông. Có lần bị rớt xuống nước và may mắn được cứu kịp thời. Lên bờ mình ngồi khóc một trận”, cô Anh nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ khi còn là cô gái tuổi đôi mươi.

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ít quan tâm tới việc học hành của con. Giáo viên phải đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường. Nhiều khi còn góp tiền mua mì tôm cho các em ăn chống đói, mang quần áo ở nhà lên cho các em mặc chống lạnh. “Nhưng rồi sau đó nhìn thấy các em dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vẫn đội mưa nắng đi bộ hàng chục cây số đến trường, mình lại có thêm động lực để gắn bó với mảnh đất này. Tình yêu thương dành cho các em tự khắc làm mình bản lĩnh hơn để vượt qua khó khăn”, cô Anh tiếp lời.

Sau hai mươi năm đứng lớp, đến nay cô Anh là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Xinh. Cô Anh luôn được đồng nghiệp tin tưởng, kính trọng vì tình yêu thương, sự cống hiến mà cô dành cho học trò và sự nghiệp trồng người nơi đây.


Bài, ảnh: THU HIỀN

 


.