Những thay đổi tích cực trong việc đánh giá học sinh tiểu học

07:10, 23/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Những thay đổi trong Thông tư 22 thay thế cho Thông tư 30 về việc đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực thi hành từ ngày 6.11.2016 sẽ gỡ rối, giúp giáo viên trút bỏ được gánh nặng sổ sách, cụ thể hơn trong đánh giá, nhận xét.

TIN LIÊN QUAN

Giảm áp lực sổ sách


Thông tư 30 được đưa vào áp dụng 2 năm học qua đã khiến giáo viên kêu ca vì áp lực, mệt mỏi khi phải vừa dạy, vừa làm báo cáo, vừa ghi nhận xét vào rất nhiều loại sổ sách. Đặc biệt với các giáo viên bộ môn như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật và tiếng Anh phải dạy nhiều lớp, áp lực sổ sách, nhận xét lại càng lớn.

Mỗi giáo viên phải có đến hơn 10 cuốn sổ ghi chép. Họ mệt mỏi vì việc có quá nhiều loại sổ sách, ngồi đánh vật cả ngày lẫn đêm. Cuối năm, nhà trường lưu trữ đến cả 100 cuốn sổ. Khổ nhất là giáo viên dạy lớp 1 phải nghĩ ra những câu nhận xét làm sao để các em dễ hiểu, vì chưa biết đọc nên giáo viên phải làm thêm nhiệm vụ giải thích.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân- giáo viên Trường Tiểu học Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) cho hay: “Hai năm học qua, chúng tôi mất nhiều thời gian cho các loại sổ sách, giấy tờ vừa đảm bảo thời gian dạy. Lớp có 30 học sinh có khi phải mất đến cả tuần mới ghi xong nhận xét”.
 

Thông tư 22 giảm áp lực cho giáo viên tiểu học.
Với Thông tư 22, giáo viên sẽ giảm bớt áp lực sổ sách.

 

Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra Thông tư 22 trên cơ sở sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những bất cập của Thông tư 30 nhằm giảm áp lực cho giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Nga- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) vui mừng chia sẻ: “Cái hay nhất của Thông tư 22 là sổ theo dõi chất lượng sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, không bắt buộc ghi chép trong quá trình đánh giá học sinh”.

Giáo viên không bị gò bó trong khuôn khổ nào mà được trao quyền tự chủ trong quá trình theo dõi học sinh, chỉ ghi chép những trường hợp đặc biệt như chưa hoàn thành nội dung học tập để hỗ trợ hay những trường hợp có tiến bộ hoặc vượt trội.

Trong quá trình nhận xét, giáo viên dùng lời nói ngay tại lớp chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa. Đó chính là tạo sự gần gũi giữa giáo viên với học sinh để giáo viên lắng nghe và giải đáp những khuất mắt, những tâm tư, tình cảm của các em.

Một trong những điểm mà nhiều giáo viên cho là hay nữa của Thông tư 22 là học sinh được tham gia vào quá trình nhận xét bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập để các em học tốt và làm tốt hơn.

Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
 

Việc nhận xét nhằm động viên, khích lệ để các em.

 

Cụ thể hơn trong đánh giá

Cũng theo cô Nga, việc xếp loại trong Thông tư 30 quy định 2 mức là hoàn thành và chưa hoàn thành không khích lệ được sự cố gắng của các em. Còn theo cách đánh giá của Thông tư 22 có 3 mức: chưa hoàn thành, hoàn thành và hoàn thành tốt; về năng lực, phẩm chất ở các mức: Tốt - Đạt - Cần cố gắng sẽ phân loại cụ thể, rõ ràng hơn.

Về khen thưởng cũng hướng đến khen sự tiến bộ của học sinh. Khen thưởng cuối năm dành cho học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện; kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt, bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Ngoài ra, khen thưởng đột xuất sẽ dành cho những học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Với quy định khen thưởng mới này, tâm lý tiếp nhận của phụ huynh cũng sẽ nắm được mức độ của con cái mình đến đâu để phối hợp với nhà trường giúp các em tiến bộ hơn. Những thay đổi tích cực này sẽ giúp cho công tác dạy và học được thuận lợi hơn.

Bà Lê Thị Kim Ánh- Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã tổ chức hội thảo chuyên đề để trao đổi, chia sẻ những thay đổi, bổ sung, sửa đổi, nhằm đưa Thông tư 22. Sắp tới, các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cũng sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên dạy bậc tiểu học để thực hiện được thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.