Luân chuyển giáo viên vùng khó khăn vẫn là bài toán khó

09:10, 27/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Chính sách điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên từ các huyện đồng bằng, thành phố đến công tác tại các huyện miền núi, hải đảo và ngược lại đã được đem ra bàn thảo đã chục năm nay. Thế nhưng, mãi cho đến nay, câu chuyện này vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

TIN LIÊN QUAN

Miền núi: Nơi đào tạo học sinh và giáo viên


Nhiều năm qua, giáo dục miền núi nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách, nhờ đó đã có những bước khởi sắc về mọi mặt.

Tuy nhiên, giáo dục miền núi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đội ngũ giáo viên phần lớn còn non trẻ, đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và thường xuyên bị biến động, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Nhắc đến chuyện luân chuyển giáo viên, thầy Nguyễn Công Hòa- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà mang nhiều tâm tư. Năm nào, ngôi trường này cũng rơi vào cảnh "kẻ ở, người đi". Họ là những người gắn bó với miền núi lâu năm. Người ra đi mừng vì đã chuyển về xuôi gần gia đình, thuận tiện đi lại, kẻ ở lại lo vì thiếu giáo viên.

Thầy Hòa cho biết, có năm số lượng giáo viên của trường xin về xuôi lên đến hơn 10 người. Trong khi đó, số học sinh tăng lên, nhưng không được bổ sung giáo viên nên không tạo được nguồn giáo viên cốt cán.

Thầy Phạm Sơn- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà cũng tâm tư nặng trĩu. Năm nào, toàn huyện cũng có khoảng 50 giáo viên đủ thời gian công tác theo quy định nộp hồ sơ xin chuyển về xuôi, khoảng 40% trong số ấy được ra đi.

 

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Ba Xa (Ba Tơ).
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Ba Xa (Ba Tơ).

 

Việc ra đi của giáo viên đã để lại những khoảng trống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục vùng cao. Hiện Tây Trà còn thiếu gần 100 biên chế giáo viên ở cả 3 bậc học.

Thiếu giáo viên, một thực tế đang diễn ra ở vùng cao là giáo viên còn lại phải “vắt sức” ra dạy, kể cả lãnh đạo nhà trường. Đơn cử như thầy Hòa, theo quy định, hiệu trưởng chỉ đứng lớp 2 tiết/tuần, nhưng thường xuyên dạy đến 8- 10 tiết/tuần, nhiều học kỳ lên đến 17 tiết/tuần.

Trường phải hợp đồng với giáo viên mới ra trường. Để giúp những giáo viên này sớm nâng cao kinh nghiệm, tay nghề, lãnh đạo nhà trường phân công 2 giáo viên chính “kèm” 2 giáo viên hợp đồng.

Rồi sau vài năm giảng dạy, được vào biên chế, tích lũy được kinh nghiệm, đủ thời gian theo quy định, số này lại xin về đồng bằng. “Cứ làm theo cách này thì các trường miền núi luôn là nơi chuyên đào tạo học sinh và cả giáo viên”- thầy Hòa cười buồn.

Cần sớm gỡ những vướng mắc

Từ những khó khăn trên, chính sách điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên đã được đem ra bàn thảo đã chục năm nay. Tháng 11.2014, Sở GD-ĐT đã xây dựng hoàn chỉnh Dự thảo quy định này, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh để triển khai thực hiện.

 

giáo dục vùng cao.
Việc luân chuyển của giáo viên miền núi về miền xuôi lâu nay diễn ra theo hình thức "tự bơi".


Đối tượng áp dụng là cán bộ, giáo viên nam không quá 45 tuổi và nữ không quá 40 tuổi. Có 2 hình thức luân chuyển là luân chuyển đến và luân chuyển về.

Luân chuyển đến là từ miền xuôi đến miền núi và hải đảo, thời gian luân chuyển như kiểu "nghĩa vụ quân sự" là 3 năm. Đối tượng này được hưởng các khoản trợ cấp, phụ cấp theo quy định cộng với chế độ ưu đãi, trợ cấp lần đầu, phụ cấp thu hút và trợ cấp nuôi con nhỏ nếu có.

Luân chuyển về là luân chuyển từ các huyện miền núi, hải đảo về các huyện đồng bằng, thành phố. Áp dụng với cán bộ, giáo viên đã công tác và phục vụ ở các huyện miền núi, hải đảo trên 7 năm đối với nam, 5 năm đối với nữ được xét điều động về lại địa phương nơi thường trú, nơi công tác của vợ hoặc chồng, hoặc vùng thuận lợi hơn.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT khi ấy bảo rằng: Chính sách này khi được triển khai thực hiện sẽ đảm bảo công bằng cho cán bộ, giáo viên đang công tác tại các huyện miền núi, hải đảo, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, hải đảo. Thế nhưng, đến nay, chính sách này vẫn còn nằm trên giấy.

Ông Đặng Phiên- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT) cho biết, hàng năm Sở đều xem xét cho thuyên chuyển giáo viên trước thềm năm học mới, tuy nhiên chỉ thực hiện tại các đơn vị trực thuộc Sở quản lý, còn ở các đơn vị do huyện quản lý Sở không nắm được.

Việc luân chuyển giáo viên càng đi vào càng khó, mâu thuẫn giữa nơi đi và nơi nhận, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, để công tác luân chuyển được thực hiện có kết quả, phải thực hiện nghiêm túc.

Khi trở thành chính sách, người đi phải yên tâm cống hiến, vì biết chắc là sau 5 năm sẽ được trở về. Những người cũ đã được về rồi thì những người mới thấy thực tế như vậy cũng sẽ không "ngại" lên. Có như thế, mới tạo được công bằng cho cán bộ, giáo viên đang công tác tại các huyện miền núi, hải đảo.


Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.