Lao động thất nghiệp nhưng ngại học nghề

08:10, 06/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp khác hiệu quả hơn. Thế nhưng trên thực tế, rất ít người chọn giải pháp này khi đăng ký hưởng BHTN.

TIN LIÊN QUAN

Anh Phan Văn Hưng, ở huyện Mộ Đức, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN đã yêu cầu cán bộ tư vấn nói rõ thêm về chính sách hỗ trợ học nghề và cuối cùng anh đăng ký học nghề lái xe. Anh Hưng cho biết, trước đây anh làm việc tại một KCN ở tỉnh Bình Dương, nhưng do lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên về quê để tìm việc làm phù hợp hơn. “Hiện nay, tỉnh ta có nhiều hãng xe taxi. Tôi hy vọng sau khi học nghề có thể xin được việc làm để ổn định cuộc sống”, anh Hưng cho biết.

 

Lao động làm việc tại doanh nghiệp may mặc.
Lao động làm việc tại doanh nghiệp may mặc.


Tuy nhiên, số lao động đến đăng ký hưởng BHTN chọn giải pháp học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp như anh Hưng là không nhiều. Hầu hết người lao động chọn nhận tiền bảo hiểm, rồi đi xin việc mới. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong năm 2015 có 3.170 lao động nộp hồ sơ đăng ký BHTN, thì chỉ có 10 người đăng ký học nghề. Trong số 2.296 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm 2016 đến nay cũng chỉ có 6 lao động đăng ký học nghề.

Theo Luật Việc làm, thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế, nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Anh Trần Tấn Châu, ở huyện Nghĩa Hành đến đăng ký hưởng BHTN, được hướng dẫn hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp thì anh lắc đầu, nói: “Tôi xác định về quê là để tìm việc  làm. Giờ học nghề ra chắc gì xin được việc, trong khi lao động phổ thông thường không đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ nên không cần học nghề”.

Chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp tuy cao gấp đôi so với trước đây, nhưng vẫn chưa hấp dẫn người lao động. Vì theo họ, số tiền được hỗ trợ chỉ đủ đóng học phí. Với những khóa học dài hơn 6 tháng, người học phải bỏ thêm tiền, chưa kể các chi phí khác, như ăn ở, tài liệu, đi lại...

Trong khi đó, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn, nhưng không đảm bảo chắc chắn sẽ có việc làm, điều này khiến người lao động có tâm lý e ngại đăng ký học nghề trở lại. Ông Bùi Quang Minh (40 tuổi) ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Tôi được khuyên đi học nghề trong thời gian hưởng BHTN, nhưng với tuổi như tôi thì có học nghề ra thì doanh nghiệp cũng ngại nhận”.

Bà Nguyễn Thị Ái - Trưởng Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Người lao động đến đăng ký hưởng BHTN đều được tư vấn kỹ về hồ sơ, thủ tục và các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc tư vấn cho người lao động tìm việc làm mới hoặc học nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp luôn được chú trọng, nhưng hầu hết lao động phổ thông tiếp tục đăng ký tìm công việc như từng làm ở một doanh nghiệp khác. Đối với người đã có nghề thì chọn nghề cũ, với chỗ làm tốt hơn.

Nguyên nhân là do phần lớn người thất nghiệp là lao động phổ thông, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng lao động của đa số các doanh nghiệp trong tỉnh cũng không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, hoặc nếu có học nghề khi đi làm doanh nghiệp cũng chỉ trả lương tương đương với người chưa qua đào tạo. Hơn nữa, tâm lý người lao động sau khi mất việc đều muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó tìm ngay việc làm mới để có thêm thu nhập, không muốn học nghề vì sợ mất thêm thời gian...

Hiện nay, nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao của các doanh nghiệp ngày càng lớn, nhất là khi tỉnh đang có chính sách ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Những lao động phổ thông sẽ khó có thể nâng cao được thu nhập, nếu không chịu khó bước qua trường lớp đào tạo nghề bài bản...

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.