Học trong nỗi lo

02:10, 19/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, có những ngôi trường không biết sẽ đổ sập vào lúc nào vẫn hằng ngày mở cửa tiếp đón học sinh. Sự nguy hiểm luôn rình rập tính mạng của thầy và trò...

Học trong lo sợ

Điểm Trường Tiểu học Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn) được xây dựng từ năm 1986 với quy mô 4 phòng học, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em địa phương. Thế nhưng, do “tuổi thọ” có hạn, nên trường đã xuống cấp từ lâu.

Ông Trịnh Phú Định – Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Địa phương cũng biết để các cháu nhỏ học ở một nơi như thế là không an toàn, nhưng cũng không biết làm sao. Hiện toàn bộ phần trên của các phòng học đã bị mục, nên cứ đến mùa mưa là dột tứ phía. Vừa rồi, địa phương muốn mua ngói mới để lợp lại, nhưng không thể sửa được, vì trèo lên là mái sẽ bị sập ngay. Chỉ sợ một khi có chuyện gì bất trắc xảy ra thì không gánh hết trách nhiệm”.

Cụm Trường Tiểu học Đức An, xã Bình Minh đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cụm Trường Tiểu học Đức An, xã Bình Minh đã xuống cấp nghiêm trọng.


Chị Bùi Thị Ánh Trà có con đang học tại cụm Trường Tiểu học Tiên Đào bức xúc: “Một xã gần với thị trấn Châu Ổ như Bình Trung, mà vẫn còn điểm trường xuống cấp như thế thì không thể chấp nhận được. Học mà không biết tai họa ập xuống bất cứ lúc nào thì làm sao mà yên tâm. Chất lượng giáo dục cũng không thể đảm bảo được”.

Tại cụm Trường Tiểu học Đức An, xã Bình Minh (Bình Sơn) nhìn từ bên ngoài vào thật khó để hình dung đây là ngôi trường mà cách đây gần 6 tháng, hơn 30 học sinh và giáo viên vẫn còn dạy và học ở nơi đây. Bởi nó giống như một cái nhà kho cũ nát sắp ngã đổ. Bên trong ngôi trường càng trở nên hoang tàn hơn. Trên mái nhà, ngói và rui mè đã mục rã, xung quanh tường nứt toác. Dưới nền gạch nham nhở. Đặc biệt móng nhà đã nghiêng.

Người dân địa phương cho biết, trường xây dựng cách đây gần 30 năm, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Sợ nguy hiểm đến tính mạng giáo viên và học sinh, nhà trường đã vận động học sinh xuống điểm trường chính để học. Song tất cả phụ huynh đều không đồng ý, vì khoảng cách từ nhà đến điểm trường chính quá xa, đường sá lại khó đi. Hơn nữa, đa số phụ huynh ở đây đều làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể đưa đón con đi học.

Cô Huỳnh Thị Bích, một giáo viên đã gắn bó với điểm trường Đức An gần 20 năm chia sẻ: "Từ ngày về nhận công tác ở điểm trường này đến nay, tôi đã cố gắng làm tốt công tác của mình. Nhưng việc giảng dạy trong một ngôi trường thiếu thốn đủ mọi thứ, lại luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về, thật sự tôi và những giáo viên khác không thể an tâm giảng dạy.

Những hôm trời mưa to, gió lớn là cả cô và trò phải bỏ lớp chạy ra nhà dân để tránh trú, dẫn đến mất tiết dạy. Còn phụ huynh cũng lo lắng cho con, nên trời mưa to là cho con em mình nghỉ học, khiến các em chịu nhiều thiệt thòi".

Mong ngôi trường mới

Theo cô Nguyễn Thị Ngọ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh 2, năm 2011, UBND huyện Bình Sơn đã phê duyệt cho xây dựng một ngôi trường mới. Tuy nhiên, do năm đó xảy ra tình trạng lạm phát nên nguồn kinh phí bị cắt. Từ đó đến nay mặc dù trường đã đi xin nhiều lần, nhưng vẫn chưa được. Vừa rồi Phòng GD&ĐT huyện đã cấp kinh phí để sửa chữa.

Thế nhưng, sau khi chính quyền địa phương họp để thông qua ý kiến thì tất cả các hội đoàn thể và phụ huynh đều không đồng ý sửa. Nguyên nhân là do trường đã xuống cấp quá nghiêm trọng, không thể sửa được. Không đủ can đảm để tiếp tục học trong ngôi trường cũ, thầy và trò cụm trường Đức An đã được chính quyền địa phương đồng ý cho mượn hội trường của thôn để học.

Vậy là tạm thời mùa mưa bão năm nay cô và trò cụm trường Đức An đã không phải “vừa học vừa run” nữa. Thế nhưng về lâu dài thì phương án học nhờ ở hội trường thôn vẫn không khả thi. Bởi, hội trường thôn tuy chắc chắn, nhưng thiết kế của nó lại không phù hợp để làm lớp học.

Hơn nữa, hội trường xây dựng có hai vách còn hai vách trống nên để tránh mưa tạt vào lớp, phụ huynh đã góp công và cây, còn nhà trường hỗ trợ tôn để làm hai mái hiên. Riêng phía bên trong cũng phải dùng cây và tôn để ngăn hội trường thành 2 phòng, đáp ứng cho 4 lớp học.
          

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.