Học ngoại ngữ nào?

04:10, 10/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hay tin Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học tới, không ít phụ huynh có con đang theo học phổ thông hiện nay hoang mang. Là bởi, chỉ học mỗi môn ngoại ngữ là tiếng Anh thôi mà đã toát mồ hôi rồi, giờ lại tiếng Trung với tiếng Nga, lũ trẻ chỉ còn biết... khóc.

Những ai đang ở độ tuổi trên dưới 55 hiện nay, hẳn thấm thía điều này khi nói về chuyện học ngoại ngữ: Tiếng gì cũng biết, nhưng không biết tiếng gì cả! Nghĩa là, xem văn bản thì biết đó là tiếng Nga, tiếng Trung hoặc tiếng Pháp hay tiếng Anh, song không hiểu nội dung là gì.

Bi kịch của lớp người sau ngày hòa bình năm 1975 mới học lớp 8-9 là ở chỗ đó. Những năm đó, do hoàn cảnh lịch sử, giáo viên dạy ngoại ngữ thiếu trước hụt sau, nên “thuận” đâu thì dạy đó, chứ chẳng theo một chương trình chuẩn nào cả.

Có thể lớp 9 thì học tiếng Anh, sang lớp 10 lại chuyển tiếng Nga, lớp 11 học tiếng Pháp, năm cuối cấp lại học tiếng Trung! Cứ học theo cái cách giống trẻ con nhảy lò cò như vậy, chỉ có những bộ óc siêu phàm mới có thể học tốt được những ngoại ngữ  ấy mà thôi.

Nhiều người ví học ngoại ngữ như thể “mưa dầm thấm lâu”, nghĩa là phải học từ từ, chứ học ngoại ngữ không phải là cuộc thi chạy marathon mà chạy càng nhanh thì về đích càng sớm. Thứ hai là phương pháp dạy nữa. Cái này rất quan trọng. Để giỏi một ngoại ngữ nào đó, cần có sự “hợp lực” của cả người dạy lẫn người học bằng một phương pháp tối ưu nhất.

Điều đó cắt nghĩa vì sao, thế hệ học sinh thời Pháp thuộc, dù đã qua 60-70 năm không “đụng” tới tiếng Pháp, nhưng gặp ông Tây bà đầm nào nói tiếng Pháp là họ có thể trò chuyện một cách thoải mái, chứ không phải chỉ biết hai tiếng là “good morning” rồi “good bye” như đa số học sinh học ngoại ngữ bây giờ. Có em làm bài tập ngữ pháp đạt điểm tối đa, nhưng gặp người nước ngoài là ngọng nghịu ngay.

Trở lại với câu chuyện là học ngoại ngữ nào? Giờ mà làm một cuộc thăm dò thì chắc chắn, phụ huynh sẽ nghiêng về phía “học tiếng Anh”. Nó là thứ tiếng thông dụng trên thế giới rồi, nên khỏi cần bàn nữa. Vì vậy, chỉ cần tiếng Anh mà cho thật giỏi thì cũng là điều quá tốt.

Còn nếu sau này ai có nhu cầu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử chuyên sâu về một nước nào đó (Nga hay Trung Quốc, Nhật Bản chẳng hạn) thì việc học thêm thứ tiếng của nước đó là điều không quá khó khăn nếu như học sinh, sinh viên đó đã thông thạo tiếng Anh.

Ngoại ngữ như chiếc cầu nối ta với thế giới. Tiếng Anh vẫn là chiếc cầu tốt nhất trong hành trình bước ra thế giới. Vì vậy, các nhà quản lý không quá bận tâm đến chuyện “thêm” một hay nhiều ngoại ngữ nữa. Dĩ nhiên, ai có khả năng học thêm một ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Anh thì đó là điều quá tốt vậy.

TRẦN ĐĂNG
 


.