Từ một sáng kiến dạy môn Sử

07:09, 16/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng khá lâu rồi chúng ta mới nghe nói tới có một cô giáo dạy môn Lịch sử ở một trường THPT ở Nghệ An đưa ra một sáng kiến mới về việc dạy môn Sử. Cách đây dăm bảy năm, cũng từng có một cô giáo đưa ra một cách dạy Sử vừa thực tế, vừa áp dụng được những kiến thức và quy trình ở một số môn học khác, để làm môn Sử trở nên vừa dễ tiếp thu với học sinh, vừa tạo được sự hấp dẫn và khát khao khám phá cái mới của học sinh. Nhưng rồi, theo thời gian, những sáng kiến ấy đều không được nhân rộng và những kiến nghị về thay đổi sách giáo khoa (SGK) môn Sử từ những sáng kiến ấy đều không được chấp nhận.

Có thể người ta ngại thay đổi, và có thể người ta không nhận ra “thay đổi để sống còn”-nói theo cách bức xúc của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Bởi cho tới giờ này, môn Sử luôn bị coi là môn học nhàm chán và là môn học ít được chọn nhất của học sinh khi chọn môn thi ở bậc tốt nghiệp THPT và đại học. Tại sao như vậy?

Có rất nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất để môn Sử-một môn học có khả năng hấp dẫn và thức tỉnh người học-phải chịu một số phận hẩm hiu đến như vậy, đó là Bộ GD&ĐT có vẻ rất ít quan tâm tới môn học này. Khi Bộ đã ít quan tâm, thì không thể đòi hỏi các trường phải quan tâm. Và khi các trường đã không quan tâm, thì việc giáo viên thực hiện quy trình “thầy đọc-trò chép” trong môn Sử đã diễn ra một cách thường xuyên. Điều đó đã “giết chết” một môn học, bất kể môn học gì, chứ không chỉ là môn Sử.

Tại sao Bộ GD&ĐT không tổ chức được một cuộc hội thảo thật sự khoa học về thực trạng môn Sử trong nhà trường, để từ đó nhận thức sâu sắc vai trò lớn lao và thực trạng đáng buồn của môn Sử trong nhà trường hiện nay, từ đó đề ra giải pháp quyết tâm tháo gỡ? Không thể quan niệm trường học, nhất là ở bậc trung học, mà lại thiếu môn Sử. Nhưng cái cách người ta để môn Sử “có như không” ở trường học hiện nay là một thực trạng nhiều khi đau lòng. Cứ thử nghĩ xem, nếu thiếu môn Sử, học sinh liệu có thể được coi là đã nhận được sự “giáo dục hoàn hảo”?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một giáo sư Sử học, và những bài học lịch sử đã được ông vận dụng vô cùng sáng tạo khi cầm quân đánh giặc, khi kiến thiết quốc gia, cũng như khi phải đối đầu với những vấn đề khó giải nhất. Tại sao từ chỗ là một môn học được yêu thích trong nhà trường, môn Sử đã thành môn “học cho có” và “có cũng được, không cũng được”? Cái này cần được nhìn nhận một cách thật sự nghiêm túc, nếu không muốn những thế hệ hiện tại và tương lai của chúng ta thiếu hiểu biết về lịch sử và sống như những người thờ ơ với lịch sử nước nhà. Tại sao những sáng kiến về giảng dạy môn Sử được một số cô giáo đưa ra có những điểm rất hay, rất sáng tạo lại không hề được Bộ GD&ĐT chú ý nghiên cứu, và nếu thấy lợi ích thì tìm mọi cách để nhân rộng đưa vào thực hiện giảng dạy trong nhà trường?

Có những điều mà hôm nay không làm, ngày mai cũng không làm, thì sẽ tới lúc không còn cơ hội để làm. Với việc giảng dạy môn Lịch sử, tình hình cũng là như vậy.      

THANH THẢO
 


.