Thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng:
Cần giao quyền tự chủ cho các trường

08:09, 07/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với quyết tâm đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học 2 năm gần đây của Bộ GD&ĐT đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự đổi mới đó cũng bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; quyền lựa chọn ngành học theo sở thích và năng lực của học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 kết thúc, bên cạnh những ưu điểm, thì vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về kỳ thi này. Trong đó, băn khoăn lớn nhất vẫn là, khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay, bởi yêu cầu của việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là khác nhau. Hơn nữa, việc xét tuyển chưa tạo được yếu tố cạnh tranh giữa các nhóm trường có chất lượng. Vì thế, việc tổ chức một kỳ thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường vẫn tạo ra nhiều tâm lý lo lắng.

 Thí sinh đăng ký xét tuyển tại ĐH Phạm Văn Đồng.
Thí sinh đăng ký xét tuyển tại ĐH Phạm Văn Đồng.


Theo đánh giá chung, kỳ thi năm nay tốt hơn kỳ thi năm 2015 ở khâu minh bạch thông tin, nhưng dư luận vẫn cho rằng, đây đó vẫn còn tình trạng coi thi “lỏng”, hay việc chấm điểm vẫn chưa thật sự công bằng giữa các địa phương, gây mất công bằng trong thi cử. Thực tế lâu nay, khâu coi thi vẫn luôn được coi là khâu đáng lo nhất. Giữa nơi coi nghiêm túc với nơi coi chưa chặt chẽ, có thể dẫn đến việc chênh lệch điểm là không thể tránh khỏi, trong khi điểm xét tuyển ĐH, CĐ chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm cũng đã quyết định đến kết quả xét tuyển.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện phương án đổi mới thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 trên tinh thần không gây sốc cho thí sinh và xã hội. Nhưng hiệu quả thế nào thì vẫn phải chờ.

Việc nhập một kỳ thi đã gây nên sự phức tạp từ khâu ra đề đến việc coi thi, các trường ĐH, CĐ thì bị động trong khâu xét tuyển. Qua 2 đợt xét tuyển, có rất nhiều trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí nhiều trường tốp đầu cũng ở trong tình trạng tìm... thí sinh.

Nhà giáo ưu tú Bùi Phụ Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính- Kế toán kiến nghị: “Bộ GD&ĐT nên xem xét giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường như trước đây. Khi các trường được tự chủ thì sẽ chủ động tổ chức các kỳ thi vào bất kỳ thời điểm nào, chứ không nhất thiết phải ồ ạt thi tuyển vào tháng 7 như hiện nay. Trường hợp trường nào làm sai thì sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ về mặt quản lý nhà nước trong công tác tuyển sinh”.

Theo nhiều chuyên gia, phương án thi xét tốt nghiệp và giao quyền xét tuyển ĐH cho các trường chủ động là việc ngành giáo dục cần nghiên cứu. Trường ĐH cần được giao quyền tự chủ theo đúng Luật Giáo dục Đại học. Cụ thể là, vấn đề tuyển sinh, các trường có thể tự tổ chức thi một mình, hoặc tổ chức thi theo cụm, tổ chức thi nhiều đợt trong năm, chứ không nhất thiết phải tập trung trong tháng 7 như hiện tại.

Để tránh sai sót, rủi ro, Bộ GD&ĐT nên chuẩn bị ngân hàng đề thi phục vụ cho việc thi xét tốt nghiệp để các địa phương lựa chọn. Còn về tuyển sinh ĐH, nên giao lại cho các trường, bởi trước đây các trường cũng đã tự tổ chức tuyển sinh theo tiêu chí riêng. Theo PGS.TS. Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, kỳ thi “3 chung” trước đây vẫn chiếm nhiều ưu điểm nhất định. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc tổ chức lại phương án tuyển sinh “3 chung” như trước đây.


Bài, ảnh: PV


 


.