Nỗi lo từ các điểm giữ trẻ tự phát

07:08, 02/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- KKT Dung Quất, KCN Tịnh Phong  và KCN VSIP hình thành, thu hút số lượng lớn công nhân vào làm việc. Để đáp ứng nhu cầu trông, giữ con cho công nhân, nhiều hộ gia đình sống xung quanh đã cho “ra đời” các cơ sở giữ trẻ. Phần lớn những cơ sở này hoạt động không phép, cơ sở vật chất không đảm bảo, người giữ không có bằng cấp chuyên môn... Nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Muôn kiểu "nhà giữ trẻ"

Trong vai bà mẹ có con nhỏ gần 7 tháng tuổi đi tìm nơi gửi trẻ, chúng tôi được người dân địa phương giới thiệu đến điểm giữ trẻ của chị A. nằm sâu trong xóm nhỏ của thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Ở đây có khoảng 10 trẻ, nhỏ nhất là hơn 10 tháng tuổi, sinh hoạt trong khuôn viên chật hẹp, do một mình chị A. trông coi.

Để chúng tôi an tâm, chị A. bảo: "Yên tâm đi, tôi có kinh nghiệm giữ trẻ. Có rất nhiều công nhân tin tưởng gửi con tại đây. Con chị chưa đầy 7 tháng tuổi, nhưng tôi chỉ lấy 1,5 triệu đồng. Hằng ngày cứ đem sữa, bột đến tôi cho ăn, chăm sóc rồi 5 giờ chiều đến đón về".

Trước kia, chị  A. cũng là công nhân ở KCN Tịnh Phong, sau đó nghỉ việc, làm nghề sửa quần áo một thời gian rồi chuyển sang giữ trẻ được 2 năm nay. Theo một người dân ở đây cho biết, không cần bằng cấp gì đâu, chỉ cần có cơ sở, làm siêng và yêu trẻ là có thể mở điểm giữ trẻ.

 

Vì thiếu nơi gửi trẻ, công nhân đành gửi con vào các điểm giữ trẻ tự phát.
Vì thiếu nơi gửi trẻ, công nhân đành gửi con vào các điểm giữ trẻ tự phát.


Rời điểm giữ trẻ của chị A. theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến điểm giữ trẻ gần ngã tư Hàng Da đi Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Cơ sở này chưa tới 10m² nhưng cũng có khoảng 10 cháu nhỏ được gửi tại đây. Chủ nhân của cơ sở này là chị N. mới 26 tuổi. Lúc chúng tôi đến, chị N. bận rộn với đám trẻ, nên không hề biết nhà có khách.

Một lát sau, nghe chúng tôi gọi, chị N. vội bồng một cháu nhỏ ra tiếp đón. Biết chúng tôi có con nhỏ cần gửi, chị liền đồng ý với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Đây cũng là điểm giữ trẻ tự phát, chị N. tốt nghiệp một trường cao đẳng, nhưng không xin được việc làm nên về quê mở điểm giữ trẻ.

Trên địa bàn xã Bình Trị (Bình Sơn) nơi có KKT Dung Quất với hàng ngàn công nhân đang làm việc, nên cũng có rất nhiều cơ sở nhận giữ trẻ tự phát. Tại điểm giữ trẻ thôn An Lộc, xã Bình Trị, đập vào mắt chúng tôi là không gian một ngôi nhà cấp bốn chật chội, nhưng là điểm sinh hoạt của 20 cháu. Từ thực tế đó, nếu các cấp chính quyền, ngành giáo dục không thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh chắc chắn sẽ gây ra hệ quả không mong muốn.

Khó dẹp bỏ

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân chia sẻ: Dù biết các điểm giữ trẻ tự phát không đảm bảo an toàn, nhưng không còn cách nào khác, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền họ đành chấp nhận.  

Hiện trên địa bàn xã Tịnh Phong, có khoảng 10 điểm giữ trẻ tự phát. Chính quyền địa phương biết rõ điều đó, nhưng chưa thể chấn chỉnh. Bà Đào Thị Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong, lý giải: "Chúng tôi rất muốn dẹp bỏ các điểm giữ trẻ tự phát, nhưng hiện nay số công nhân ngày một đông, có hơn 3.000 công nhân đăng ký tạm trú, nên nhu cầu gửi con rất cao, mà trên địa bàn xã chỉ có một nhà trẻ công lập chỉ giữ khoảng 30 cháu. Vì thế, công nhân không gửi con ở điểm giữ trẻ tự phát thì đành phải nghỉ việc ở nhà. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, chúng tôi thường xuyên kiểm tra hoạt động của các điểm giữ trẻ này và nhắc nhở họ phải chú ý đến an toàn cho trẻ. Đồng thời, hướng dẫn những cơ sở nào đủ điều kiện thì hướng dẫn họ đăng ký giấy phép hoạt động".

Ông Lý Minh Phụng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, cho biết: Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện có 22 điểm giữ trẻ tự phát, trong đó xã Tịnh Phong có nhiều nhất. Muốn được cấp phép hoạt động thì giáo viên phải có bằng cấp  chuyên môn, cơ sở vật chất đảm bảo, phòng học thông thoáng, bếp ăn hợp vệ sinh, phải có không gian vui chơi. Thực tế thì các các điểm giữ trẻ tự phát không đảm bảo, nên không thể cấp giấy phép hoạt động.

Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG - H.THU
 


.