Việc làm cho sinh viên sau khi ra trường - Kỳ 1: Bức tranh ảm đạm

07:06, 23/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, tình trạng sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường không có việc làm luôn là vấn đề "nóng" của xã hội. Trong các cuộc đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân hay ĐBQH, HĐND các cấp tiếp xúc với cử tri... người dân luôn phản ánh vấn đề này, song lời giải cho bài toán này vẫn chưa có đáp số.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi tốt nghiệp, nhiều SV đắng lòng ôm tấm bằng cử nhân về "gắn bó" với ruộng đồng hoặc xin đi làm trái ngành nghề đào tạo, gây nên một sự lãng phí lớn...

Cử nhân về... vườn!

Chị Q. quê Tư Nghĩa, tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính- Ngân hàng năm 2008. Đầu năm 2009, chị cùng gia đình vui mừng khôn xiết khi được một công ty tư nhân nhận vào làm việc, nhưng niềm vui ấy chỉ kéo dài được 3 năm sau khi công ty thông báo tinh giảm nguồn nhân lực do làm ăn khó khăn. Để không là "gánh nợ" của gia đình, chị vác đơn đi "gõ cửa" khắp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng đâu cũng bảo chờ hoặc trả lời: "Không có nhu cầu"... Quá nản lòng, chị quay về quê làm ruộng, chăm sóc con và gia đình...

"Nhiều đêm nghĩ cũng buồn, 4 năm ăn học tốn kém của cha mẹ gần cả trăm triệu đồng, giờ không đền đáp gì được cho cha mẹ. Nhưng buồn hơn là, người ở quê mỗi lần gặp tôi họ luôn nói, học thế này thì phí quá con ơi!", chị Q. trải lòng. Có lẽ vì lời trách móc ấy mà nay dù đã yên bề gia thất, nhưng chị vẫn thường xuyên tìm thông tin việc làm trên báo chí, các trang mạng... Vì chị nghĩ rằng, kết quả đạt được như mong muốn là rất mong manh, nhưng không phải đã hết cơ hội.

Học sinh cần được định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn).
Học sinh cần được định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.


Còn với anh H. (38 tuổi) ở TP. Quảng Ngãi, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện dân dụng, vì điều kiện gia đình nên anh về quê lập nghiệp. Anh xin vào làm hợp đồng tại một bệnh viện, với mức lương tháng chưa được 1 triệu đồng. Công việc là thay bóng đèn, sửa quạt cùng một số công việc không tên khác.

Không bằng lòng với công việc này, anh H. quyết định nghỉ việc để đi xin nơi khác, nhưng không đâu nhận vào làm đúng ngành đã học. Vì cuộc sống gia đình, anh xin làm phụ bếp cho một trường học bán trú ở TP. Quảng Ngãi. Anh bắt đầu một ngày làm việc từ 6 giờ sáng, đến khoảng 13 giờ 30 chiều là kết thúc, với nhiệm vụ bưng bê các nồi thức ăn, dọn dẹp phòng ăn cho học sinh.

Để có thêm nguồn thu nhập phụ vợ nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học, buổi tối anh H. còn xin giữ xe quán nhậu. Anh H. chia sẻ trong sự tiếc nuối: Tình trạng SV ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực gia đình, xã hội và ngân sách đầu tư để đào tạo một cử nhân trong 4 năm tốn hàng trăm triệu đồng, nhưng tốt nghiệp lại không được sử dụng là một sự lãng phí lớn.
 

Quá nhiều trường ĐH, CĐ

Theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26.6.2013 về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) giai đoạn 2006-2020, đến năm 2020 cả nước có 460 trường ĐH, CĐ (trong đó có 224 trường ĐH và 236 trường CĐ). Dù vậy, đến cuối năm học 2013-2014,  cả nước đã có 471 trường ĐH, CĐ. 

Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ SV tất cả các hệ đào tạo trên 1 vạn dân vào khoảng 350 đến 400.

Tỷ lệ này hiện khoảng hơn 200/1 vạn dân. Tuy nhiên, trên thực tế thì con số lao động qua đào tạo vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do sự phát triển quá nhanh của các trường ĐH, CĐ trong thời gian qua.

Ngành sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều

Đến năm 2020, cả nước sẽ thừa khoảng 70 nghìn cử nhân sư phạm. Đó là nhận định được nêu ra tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay” diễn ra mới đây là điều khiến xã hội quan tâm, lo lắng.

Đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên đã có chiều hướng bão hòa, nhu cầu tuyển mới rất hạn chế. Điều này đòi hỏi các trường sư phạm phải có những sự thay đổi trong hình thức hay ngành nghề đào tạo.

PGS.TS Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm là yếu tố tiên quyết khiến các em chọn trường sư phạm.

Phần lớn các em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thường chọn cho mình những khối ngành có chính sách ưu đãi như sư phạm hay công an, quân đội. Nhiều sinh viên cũng đã xác định học sư phạm để có cái bằng gọi là đảm bảo “điều kiện cần” để xin việc sau này, chứ không nhất thiết phải đi dạy ở các trường.

Em V.T.L, vừa hoàn thành chương trình đại học ngành sư phạm, cho biết: "Với kết quả học tập trong suốt 7 học kỳ qua, chắc chắn em sẽ có được tấm bằng loại khá nhưng con đường tìm việc làm vẫn chưa biết thế nào. Trước mắt, em sẽ xin đi làm công nhân ở Khu Công nghiệp VSIP để chờ có việc làm ổn định.

Còn em N.V.N cùng khóa với L. cũng băn khoăn: “Em rất hoang mang trước thông tin cử nhân sư phạm không có việc làm sau khi ra trường. Nếu em không xin được việc làm ở quê thì em sẽ lên Tây Nguyên để tìm việc. Trong trường hợp không được đi dạy, em cũng sẽ cố gắng kiếm một công việc phù hợp với bản thân, để chia sẻ gánh nặng của ba mẹ suốt nhiều năm qua.

Tình trạng SV Quảng Ngãi sau khi ra trường vào Nam hay lên các tỉnh Tây Nguyên lập nghiệp khá đông. Điều đó cho thấy nhu cầu việc làm ở tỉnh ta còn hạn chế so với nguồn cung. Mỗi năm, Quảng Ngãi có khoảng 1/3 học sinh lớp 12 đỗ vào các trường ĐH, CĐ nguyện vọng 1. Riêng kỳ thi THPT quốc gia 2015, toàn tỉnh có 6.313/14.586 thí sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ nguyện vọng 1. Đặc biệt, cánh cửa vào các trường ĐH, CĐ ngày càng mở rộng dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, còn cử nhân thì lại... thất nghiệp.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Kỳ 2: Cần giải pháp tổng thể


 


.