"Nóng" chuyện tuyển sinh đầu cấp

05:06, 08/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp đầu cấp. Tuy vậy, ngay những ngày đầu hè, các trường có “thương hiệu” ở TP.Quảng Ngãi phải chịu áp lực tuyển sinh đầu cấp.

TIN LIÊN QUAN


Vừa tổng kết năm học 2015– 2016, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị tuyển sinh. Đây là một trong các trường tiểu học có “thương hiệu” hàng đầu ở TP.Quảng Ngãi nên hằng năm cứ đến kỳ tuyển sinh, trường luôn bị áp lực khá lớn.

Bà Trương Thị Thanh Hoan– Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đến 15.6 mới bắt đầu tiếp nhận hộ khẩu, phân loại, lên danh sách, nhưng hiện nay đã có phụ huynh đến xin nộp hồ sơ rồi. Năm nào cũng vậy, trường luôn bị áp lực từ nhiều phía...”.

 

Tuyển sinh đầu cấp đúng tuyến sẽ tạo điều kiện cho thầy và trò
Tuyển sinh đầu cấp đúng tuyến sẽ tạo điều kiện cho thầy và trò "học tốt dạy tốt".


Năm nay, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 340 học sinh vào lớp 1. Đối tượng được xét tuyển là các cháu có hộ khẩu ở phường Nguyễn Nghiêm. Nếu thực hiện đúng điều này trường không phải “đau đầu” khi đến mùa tuyển sinh.

Thế nhưng, tình trạng chạy trường, chạy lớp cứ mãi diễn ra. Hằng năm, trường có khoảng 100 hồ sơ xin học trái tuyến. “Khó từ chối lắm, vì đây là những hồ sơ mà các bậc phụ huynh trình bày đều có lý, có tình...”, bà Hoan giải thích.

Đối với Trường THCS Trần Hưng Đạo cũng rơi vào tình cảnh này. Theo kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) của UBND TP.Quảng Ngãi triển khai, tại điểm b mục 1.1 có ghi: “...không tổ chức thi tuyển và không nhận học sinh trái tuyến, nếu không có lý do chính đáng”.

Chính vì cái câu “nếu không có lý do chính đáng" mà nhiều trường khó xử trong vấn đề này. Bởi theo ông Lê Văn Cảnh – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo thì, tất cả những trường hợp xin học trái tuyến đều có lý do chính đáng.

Được biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2016 – 2017 của trường khoảng 340 học sinh, nhưng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo gửi danh sách học sinh lớp 5 lên lớp 6 có đến 399 em. Ngay cả con số này cũng đã khập khiểng chứ chưa nói đến những hồ sơ gửi sau này. Đây cũng là tình trạng chung ở các trường có “thương hiệu” trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.

Bà Trương Thị Thanh Hoan- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, kể: Có trường hợp trường nhận hồ sơ một học sinh học trái tuyến nhưng không tìm hiểu kỹ về sức khỏe, đến khi nhập học thì các cô giáo phát hiện cháu này bị “thiểu năng trí tuệ”, động viên phụ huynh chuyển trường phù hợp cho cháu nhưng họ không đồng ý, làm ảnh hưởng chung đến môi trường học tập của học sinh ở trường.

Cũng theo bà Hoan, nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố có tình trạng nhập khẩu vào hộ khẩu của ông, bà, chú bác, người thân ở phường có điểm trường mà phụ huynh muốn gửi con học sau này, nên trường không thể không nhận hồ sơ, mà nhận thì quá tải.

"Năm học 2016 – 2017, trường sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm tra hộ khẩu của các cháu. Trước hết, trường xét tuyển các cháu có hộ khẩu huyết thống (là cha mẹ) ở phường, sau mới đến trường hợp nhập khẩu từ 3-4 năm, rồi đến học sinh ở vùng giáp ranh giữa các phường... nhằm hạn chế học sinh trái tuyến", bà Hoan cho biết.

Việc cho con em học ở những trường điểm là một nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Vì thế, vấn đề đặt ra là ngành giáo dục TP.Quảng Ngãi cần nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường vùng ven bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, luân chuyển giáo viên có kinh nghiệm về các trường vùng ven... Có như thế mới từng bước khắc phục tâm lý của nhiều phụ huynh muốn cho con em học ở những trường trung tâm của thành phố.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.