Quảng Ngãi: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non

09:05, 25/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến tháng 5.2016, Quảng Ngãi đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non ở 14 huyện, thành phố. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, thực hiện Quyết định số 239 của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2010 – 2015, Quảng Ngãi gặp khá nhiều khó khăn. Bởi trên địa bàn có 6 huyện miền núi đặc biệt khó khăn và 1 huyện đảo. Đời sống của người dân còn nghèo; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá lớn... Các trường mầm non mới chuyển đổi từ mầm non dân lập sang công lập nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... còn nhiều thiếu thốn, chắp vá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo quy định của hệ mầm non.  “Việc triển khai đề án nhìn đâu cũng thấy khó, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục, nên đã từng bước khắc phục được những khó khăn...”, bà Phạm Thị Thanh Hà – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), cho biết.

 

Cơ sở vật chất của hệ mầm non từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu giáo dục.
Cơ sở vật chất của hệ mầm non từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu giáo dục.


Để thực hiện có hiệu quả công tác này, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp; đồng thời gắn việc phát triển giáo dục với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, mạng lưới trường lớp bậc học mầm non từng bước củng cố, mở rộng.

Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, cho biết: Địa bàn huyện có nhiều nơi cách trở, thời điểm triển khai chuẩn hóa giáo dục mầm non, toàn huyện thiếu đến 31 phòng học, phải học nhờ ở nhà dân. Phòng đã phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể địa phương vận động nhân dân hiến đất. Nhiều gia đình còn nghèo, nhưng đã hỗ trợ mảnh đất của mình trị giá hàng chục triệu đồng để xây dựng trường”. Có đất, huyện Sơn Tây đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, nên công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn huyện sớm hoàn thành trong năm 2015.
 

Đến cuối năm 2015, Quảng Ngãi đã huy động số trẻ 5 tuổi ra lớp phổ cập được 21.791 trẻ, đạt tỷ lệ 99,8%. Số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non, đạt tỷ lệ 99,9%. Số trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3,4%, thấp còi còn 3,9%... Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, học 2 buổi/ngày, đạt 100%.

Cô giáo Lê Thị Hiếu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen - thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), chia sẻ: Khó nhất là vận động các cháu đến trường. Bởi ở miền núi, đồng bào thường đưa các cháu cùng lên rẫy. Trước thực trạng đó, các cô giáo đã đi vận động từng nhà, giải thích cho bà con hiểu, đưa trẻ đến trường để được vui chơi, học tập và có sức khỏe hơn. Đến nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp luôn đảm bảo sĩ số.

Huyện Tây Trà, nơi có số trẻ suy dinh dưỡng khá nhiều, nhưng khi triển khai chương trình phổ cập, huyện chỉ đạo giáo viên đi vận động bằng nhiều cách, nói cho bà con hiểu rõ  mỗi cháu đến trường được nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng. Từ đó, bà con thấy nhà nước có chính sách, giáo viên lại rất nhiệt tình, nên cho con em đến trường. Điều đó đến nay đã trở thành thói quen của người dân nơi đây.

Khi đưa trẻ đến trường, các cô nuôi dạy trẻ bắt đầu vận động xã hội hóa xây dựng bếp ăn. Nhiều cô giáo phải lặn lội về tận đồng bằng để học cách nấu ăn cho các cháu. Với  khoản tiền hỗ trợ chỉ 120 nghìn đồng/cháu, các cô phải chi tiêu một cách tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu.

 Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng 435 phòng học mẫu giáo, mầm non và mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Đến năm 2015, các trường mầm non có gần 1.200 bộ thiết bị đồ dùng dạy học. Cũng qua triển khai chương trình, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của hệ mầm non được cải thiện.

Theo bà Hà, đến nay Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giáo dục và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục quốc gia. Hiện nay, tỉnh đã gởi Bộ GD&ĐT hồ sơ để đánh giá công nhận phổ cập toàn tỉnh trong thời gian đến.           
          

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.