Khi quảng cáo, tiếp thị tràn vào trường học

10:04, 24/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)-  Trường học là nơi giáo dục và đào tạo học sinh, là nơi con em được truyền thụ kiến thức từ thầy cô giáo, ấy vậy mà lại bị thương mại hóa, trở thành mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo, tiếp thị.
 
Những ngày qua, chuyện lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi vô tình “tiếp tay” cho tiếp thị của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ gia dụng vào các trường học trực thuộc mình quản lý để quảng cáo, tiếp thị và bán sản phẩm gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. 
 
Lãnh đạo nhiều trường Tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Quảng Ngãi kể, có người đến giới thiệu là người của Công ty CP Xúc tiến thương mại Tân Á, trụ sở đặt tại Hà Nội, chi nhánh tại Quảng Ngãi đặt tại đường Lê Lợi (TP. Quảng Ngãi) xin được giới thiệu về an toàn sử dụng và tiết kiệm điện và trao học bổng cho học sinh.
 
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nhân viên tiếp thị không chìa ra giấy giới thiệu do lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi ký. 
 
Trên bảo dưới nào dám cãi, họ “vị nể” cho các nhân viên tiếp thị, quảng cáo về an toàn sử dụng và tiết kiệm điện, rồi đến truyền đạt kỹ năng sử dụng các đồ điện gia dụng, lợi ích của các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong thời gian 20 phút.
 
Hết lừa người dân nông thôn, quảng cáo, tiếp thị các mặt hàng đồ gia dụng đang tràn vào các trường học.
Quảng cáo, tiếp thị các mặt hàng đồ gia dụng đang tràn vào các trường học.
 
Sau cùng là phát phiếu đăng ký mua sản phẩm trước khi kết thúc để dành thời gian cho cuộc họp hội đồng. Cuộc họp vừa kết thúc cũng là lúc trường học biến thành cái chợ khi họ lỉnh khỉnh mang sản phẩm đến giao hàng cho giáo viên.
 
“Nội dung có vẻ liên quan đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, vì nghĩ cái này cũng hay, trao học bổng cho học sinh cũng tốt, vả lại được sếp giới thiệu nên chúng tôi mới đồng ý. Đến rồi họ còn tặng cho trường mấy cái đèn sử dụng năng lượng mặt trời và trao “học bổng” cho nhà trường với số tiền là 500.000 đồng”- hiệu trưởng một trường Tiểu học xác nhận.
 
Một giáo viên nữ thừa nhận: Mình mua về để đó, chưa sử dụng sản phẩm. Thực ra những đồ gia dụng này ở nhà không thiếu, nhưng mình vẫn muốn mua một cái nồi với giá hơn 1 triệu đồng và được tặng thêm 2 cái pin sử dụng năng lượng mặt trời vì mình thích cách tiếp thị của anh này chứ họ không ép.
 
Trong khi không ít giáo viên nữ hào hứng với chiêu tiếp thị này thì giáo viên nam lại phản đối vì họ cho rằng việc làm này gây ồn ào, mất thời gian, trường học để giáo dục, không phải cái chợ để mua bán.
 
Gọi vào số điện thoại mà nhân viên tiếp thị cung cấp cho các trường, chúng tôi nhận được câu trả lời đang đi công tác ở Hà Nội. Lần theo địa chỉ bảo hành sản phẩm, ghi nhận đây là trụ sở của một đơn vị kinh doanh khác.
 
Ở trường mầm non con tôi học, thỉnh thoảng nhà trường lại dành một góc sân trường cho nhân viên tiếp thị các loại sữa. Sân trường vốn dĩ đã chật chội, giờ tan trường xe máy, ô tô chật kín lại thêm sự góp mặt của dịch vụ buôn bán mời mọc, chèo kéo, người qua kẻ lại chẳng khác nào cái chợ, trong khi nhãn hiệu sản phẩm rất lạ.
 
Xin đừng làm vấy bẩn môi trường giáo dục.
Trường học là môi trường giáo dục, không nên thương mại hóa.
 
Đến các đoàn xiếc cũng về tận các trường học tung chiêu bài phát vé “miễn phí” cho trẻ em dưới 10 tuổi. Đoàn xiếc đã “dụ” hàng ngàn trẻ con đòi phụ huynh dắt đi xem để thu tiền vé phụ huynh.
 
Cách đây vài tháng, con tôi về đưa ra vé xem xiếc cô giáo phát tặng, một hai, khóc lóc, bắt ba mẹ phải dắt đi xem. Xem trên vé tôi thấy lời quảng cáo chương trình xiếc ngoại hạng, hấp dẫn từng đoạt các giải khu vực, quốc tế, khiến tôi dù không muốn cũng bấm bụng bỏ ra 200 nghìn đồng/2vé để chiều con. Đến mới thấy, dòng người chen lấn xô đẩy, nhốn nháo để vào cổng rồi lại chen lấn, xô đẩy để được xem.
 
Khi chương trình diễn ra mọi người mới vỡ lẽ trường học đã vô tình tiếp tay cho Đoàn xiếc lừa phụ huynh. Không có lấy một chỗ ngồi tử tế, ai muốn có ghế để ngồi phải thuê ghế nhựa với giá 10.000 đồng/chiếc. Đã vậy, chờ mãi đến tận khuya không thấy các tiết mục “ngoại hạng” như quảng cáo, mấy tiết mục trình diễn nghèo nàn. 
 
Trường học là nơi giáo dục, đào tạo học sinh, là nơi con em được truyền thụ kiến thức từ thầy cô giáo, ấy vậy mà lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo, tiếp thị. Việc này làm ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục. Vì vậy, không nên vì lợi nhuận của một số cá nhân mà làm ảnh hưởng đến việc học của các cháu, mất đi vẻ đẹp vốn có nơi học đường.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.