Học sinh cần được hiểu rõ lịch sử

04:04, 14/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sách giáo khoa hiện nay tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nhắc đến các cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc; chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia và một số nội dung liên quan Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, do hạn chế dung lượng nên nhiều nội dung, sự kiện được viết ngắn gọn chưa thỏa mãn được những nhà viết sách, thầy cô giáo cũng như học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho hay, trong khi chưa có sách giáo khoa mới, bộ khuyến khích các trường, tổ bộ môn liên quan đưa nội dung trên vào các bài giảng hoặc có thể đưa vào hoạt động ngoại khóa, chuyên đề cho học sinh hiểu.

Học sinh luôn mong muốn môn Lịch sử cần được tái hiện đầy đủ, chân thực, nhất là sự kiện xảy ra gần đây.                 Ảnh: THANH NHƯ
Học sinh luôn mong muốn môn Lịch sử cần được tái hiện đầy đủ, chân thực, nhất là sự kiện xảy ra gần đây. Ảnh: THANH NHƯ


Từ ý kiến trên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, qua trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với nhiều thầy, cô giáo, học sinh ở Quảng Ngãi, đặc biệt học sinh và giáo viên đang sống, học tập và công tác tại huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi nhận được nhiều tâm tư, ý nguyện đáng trân trọng của họ. Thầy Huỳnh Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý  Sơn, cho biết, chúng tôi mong muốn đưa những nội dung, kiến thức cụ thể về Hoàng Sa, Trường Sa vào trong chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử để giảng dạy, giáo dục một cách đầy đủ, sâu sắc cho học sinh phổ thông, bởi điều này là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Tôi còn nhớ, trong phần đọc - hiểu của đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, có đưa thông tin, chủ đề về biển đảo mang tính thời sự nóng hổi, với vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có hành động khiêu khích lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982... được giới chuyên môn, thầy cô giáo và thí sinh đánh giá cao.

Tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm đó, tôi và các giám khảo khác rất xúc động trước tình cảm chân thành, nồng nàn về chủ quyền, biển đảo quê hương của thí sinh qua mỗi bài viết. Nhiều em có mong muốn nếu có điều kiện, sau này sẽ sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo. Điều đó cho thấy, các em học sinh, tuổi trẻ hiện nay không hề lạnh nhạt hoặc thờ ơ với sự kiện, lịch sử dân tộc mà trái lại rất quan tâm và có trách nhiệm qua  bày tỏ tình cảm của mình.

Em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh) bày tỏ: Em yêu thích học môn Lịch sử từ hồi học cấp hai, vì nó có chứa đựng nhiều kiến thức, bài học hay, bổ ích, ý nghĩa về giá trị con người, cuộc sống, dân tộc, hòa bình... Vì thế, bức tranh lịch sử cần được tái hiện đầy đủ, chân thực, nhất là sự kiện xảy ra gần đây.

Sự thật lịch sử không thể né tránh, để con cháu, học sinh ta biết ngọn ngành mới tốt, mới đúng. Không chỉ có vậy, trong các chương trình, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ tại nhà trường, cần có kế hoạch, hình thức tổ chức phong phú, sinh động, hiệu quả làm sâu sắc thêm những nội dung mới được đưa vào sách giáo khoa.     

ĐỖ TẤN NGỌC

 


.